TIN LIÊN QUAN | |
Đi tìm động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020 | |
Môi trường kinh doanh Việt Nam hướng tới chuẩn mực hàng đầu APEC |
Diễn đàn là cơ hội để các nhà quản lý, các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và đầu tư nhìn lại toàn cảnh nền kinh tế và định hướng cho những năm tiếp theo, thảo luận và đối thoại về những nhu cầu, vấn đề thực tiễn cấp thiết đối với doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp để các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Nhiều điểm sáng trong môi trường kinh doanh
Thông tin về tình hình doanh nghiệp, TS. Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong hai năm gần đây, tình hình doanh nghiệp thành lập mới đã liên tiếp đạt kỷ lục về cả số lượng và số vốn đăng ký. Cụ thể, năm 2016 có hơn 110.000 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 891.094 tỷ đồng, năm 2017 có gần 127.000 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 1.295.911 tỷ đồng. Trong năm tháng 2018, có 52.322 doanh nghiệp mới, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 17,9% so với cùng kỳ 2016.
Đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp trong 3 năm qua từ khía cạnh quản lý đăng ký kinh doanh, TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng, đã có những điểm sáng khi thủ tục gia nhập thị trường đơn giản và thuận lợi hơn, nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí gia nhập thị trường.
“Kể từ năm 2017 đến nay, quy trình này bao gồm 8 bước và được hoàn thành trong khoảng 12 ngày làm việc, giảm 12 ngày so với năm 2016. Trong số các thủ tục hành chính thuộc quy trình khởi sự kinh doanh, đăng ký thành lập doanh nghiệp là một thủ tục đã có những cải cách đáng kể”, bà Minh dẫn chứng.
Toàn cảnh Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp Việt Nam ngày 19/6 tại Hà Nội. (Ảnh: Vi Vi) |
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp tối đa là 3 ngày làm việc. Trên thực tế, theo thống kê từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, thời gian trung bình để các tỉnh cấp đăng ký doanh nghiệp chỉ là 2,36 ngày làm việc, trong đó có trên 40 tỉnh thực hiện dưới 2 ngày. Công nghệ thông tin được ứng dụng triệt để trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh đã giúp cho việc đăng ký thành lập doanh nghiệp trở nên thuận lợi hơn.
TS. Trần Thị Hồng Minh cũng cho biết thông tin đăng ký doanh nghiệp đã được minh bạch hóa. Bên cạnh đó, những thông tin cần thiết đối với doanh nghiệp như danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, danh sách doanh nghiệp đã và đang giải quyết thủ tục phá sản và danh sách quản tài viên trên toàn quốc cũng được đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Công tác quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập tại các địa phương đã được chú trọng hơn. Các phòng đăng ký kinh doanh đã thực hiện nghiêm túc việc yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đối với những đơn vị kinh doanh vi phạm pháp luật. Đáng chú ý, trong năm 2017, số lượng doanh nghiệp, chi nhánh bị thu hồi là hơn 57.000 trường hợp, cao gấp 10 lần so với năm 2016.
“Điều này phần nào cho thấy, khuôn khổ pháp lý thông thoáng, thuận lợi đã có nhiều tác động tích cực đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên, cũng là cơ hội cho một bộ phận cơ sở kinh doanh lợi dụng để trục lợi”, bà Minh nhận định.
Thiếu chuyển biến, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp khó đạt
Tại phiên thảo luận về mục tiêu Việt Nam sẽ có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 theo Nghị quyết 35 của Chính phủ liệu có khả thi hay không, TS. Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, mục tiêu này là một thách thức.
“Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 sẽ khó thực hiện được bởi lẽ tình hình trong những năm qua cả về môi trường đầu tư kinh doanh lẫn cải cách cởi trói cho doanh nghiệp dù chúng ta nói rất nhiều, nhưng trên thực tế vẫn không có sự chuyển biến đáng kể. Thêm vào đó, quỹ thời gian từ nay đến năm 2020 cũng không còn nhiều, nhất là trong 6 tháng từ đầu năm đến nay nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động vì nhiều nguyên nhân khác nhau”, TS Võ Trí Thành nhận xét.
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI), việc khuyến khích tăng số lượng doanh nghiệp là hướng đi đúng đắn bởi số doanh nghiệp tăng đồng nghĩa với số lượng việc làm sẽ tăng lên, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống. “Nếu có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các Bộ, ngành thì hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu này trong thời gian tới”, ông Tuấn nói.
Năm 2017 có 127.000 doanh nghiệp đăng ký mới thì đến nay vẫn còn 87% trong số đó hoạt động. (Ảnh: Vi Vi) |
Tuy nhiên, TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng, để đạt được những mục tiêu mà Chính phủ đề ra thì cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa. “Thực tế trong 3 năm qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách, có những chỉ đạo cởi trói doanh nghiệp, song môi trường kinh doanh cần phải cải thiện nhiều hơn nữa thì mới đáp ứng được thực tế phát triển của doanh nghiệp. Năm 2017 có 127.000 doanh nghiệp đăng ký mới thì đến nay vẫn còn 87% trong số đó hoạt động, nên tôi cho rằng, cải thiện điều kiện, môi trường kinh doanh để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả là rất quan trọng”.
Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM chia sẻ, thách thức lớn nhất hiện nay là thời gian để hoàn thành mục tiêu khi thực tế các Bộ, ngành luôn chậm trễ trong việc thực hiện các cải cách theo yêu cầu của Chính phủ. Ông Hiếu đề xuất, để phát triển số lượng doanh nghiệp, Chính phủ cần tạo một môi trường kinh doanh minh bạch và cạnh tranh vì chỉ có cạnh tranh mới buộc doanh nghiệp nâng cao năng lực để tồn tại trên thị trường, có động lực để phát triển.
Hiện nay, tổ công tác của Thủ tướng dù đã có những hoạt động tích cực song chưa thể tạo ra đột phá thực sự do phần lớn các thành viên là người của Bộ, ngành. TS. Võ Trí Thành đề nghị để Tổ công tác hoạt động thực sự hiệu quả thì Tổ công tác phải thực sự độc lập, phải là những chuyên gia kinh tế đầu ngành.
“Tổ công tác thành công khi phải hội tụ đủ 3 đặc điểm: độc lập, chuyên nghiệp và phải có tầm nhìn tổng thể nền kinh tế, chứ không phải là đại diện hay chịu áp lực của nhóm nào cả”, ông Thành chỉ rõ.
Đóng góp cho “bình minh của đất nước” Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp ngày 17/5, những cam kết mạnh mẽ thể hiện quyết tâm kiến tạo môi trường ... |
Hãy để môi trường kinh doanh tự điều hòa Montesquieu, trong quyển “Tinh thần pháp luật” nổi tiếng, kết luận rằng chính những đạo luật vô tích sự làm suy yếu những đạo luật ... |
EuroCham lạc quan về môi trường kinh doanh của Việt Nam Ông Joaquim Torrinha – Đại diện Truyền thông của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã khẳng định như vậy khi ... |