Tình cờ tôi quen anh Nguyễn Sỹ Đông trong một buổi hội thảo tại Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Anh là cán bộ quản lý tại đây. Câu chuyện từ chén trà sen mùa Hạ đến cách người xưa tận hưởng hương sen bằng chén cổ... đã đưa tôi đến nhà anh để thưởng thức “trà sen chén cổ”.
Tiến sỹ lịch sử Lê Duy Mạnh và người chơi đồ cổ Nguyễn Sỹ Đông đang chuyện trò về món đồ cổ thời Trần. (Ảnh: Đông Lim) |
“Tỷ phú không tiền”
Vừa rót trà, anh vừa giải thích: “Mình đang uống theo cách hoàng tộc nhà Trần xưa đấy. Còn theo cách dân dã, người ta uống trà bằng bát”. Nâng trên tay chén trà sen thơm ngát màu trắng ngà, men rạn nhỏ nhà Trần, câu chuyện giữa chúng tôi tiếp tục xoay quanh chủ đề đồ cổ.
Anh Sỹ Đông chia sẻ: “Tôi sưu tầm đồ cổ mới gần chục năm nay. Tôi có thể nói mình có duyên với đồ cổ thời nhà Trần và những gì liên quan đến nhà Trần. Dòng họ Nguyễn nhà tôi có bảy đời truyền thống Nho học. Những đồ cổ nào tiền bối truyền lại, tôi đều giữ gìn và coi như báu vật. Tôi đam mê cổ vật không vì giá trị kinh tế mà đơn thuần nó chứa đựng tinh hoa văn hóa Việt, một thời kỳ lịch sử”. “Tôi nhớ đứng đầu trong bảy món đồ cổ đắt nhất thế giới không phải là đồ bằng vàng hay vương miện đá quý, mà là sổ chép tay Leicester của họa sỹ lừng danh thế giới Leonardo da Vinci. Trong bộ sưu tập của tôi, bên cạnh những đồ gốm thời nhà Trần, tôi còn có hàng trăm cuốn sách cổ như cuốn Hải Dương phong vật khúc, viết năm Gia Long 17 (1818) của Hải Thượng Đường Phong Bùi Dã Sĩ, cuốn Thái Tông Hoàng đế ngự chế khóa hư tập, do Trần Thái Tông viết, đời vua Minh Mạng năm 1840 viết lại … Tôi đã số hóa tất cả những cuốn sách cổ, thành thư viện sách cổ trên mạng cho các bạn yêu thích có thể vào đọc và tham khảo”.
Vui chuyện, tôi hỏi anh: “Đã bao giờ anh nghĩ đến chuyện bán đồ cổ của nhà chưa?”. Sỹ Đông chia sẻ: “Nhiều khi gia đình gặp khó khăn về kinh tế, tôi cũng nghĩ đến chuyện bán bớt đồ này, đồ kia. Thế nhưng, lúc đó tôi lại nghĩ, đồ của ông cha, mình bán cái gì đi là không bao giờ có lại được. Nghĩ vậy, tôi lại cố giữ lại cho con cháu”.
Những cú lừa bạc tỷ
Trải bao biến thiên lịch sử, cổ vật còn đến ngày nay trở nên có giá trị. Với niềm đam mê lan tỏa, nghề chơi công phu này hiện không chỉ dành cho các bậc cao niên, cũng không từ chối tầng lớp bình dân. Tất cả chỉ cần có đam mê, có “duyên”. Nhưng cũng chính vì thế mà trong thế giới đồ cổ thật giả khôn lường. Dưới bàn tay của các “phù thủy”, đồ vỡ thành đồ lành, đồ thường thành độc bản.
Góc đồ cổ tại tư gia anh Nguyễn Sỹ Đông. (Ảnh: Đông Lim) |
Một người bạn của tôi làm ở Bộ Công an cho hay: “Năm 2016, một đại gia ở Hải Dương đã dính cú lừa bạc tỷ khi mua một lô tám chiếc dao găm đồ đồng thời Đông Sơn với giá 7.500 USD/chiếc. Vụ việc vỡ lở khi lực lượng chức năng bắt giữ đối tác của đại gia trên với tội danh bán đồ cổ giả. Khi đó, vị đại gia mới mang lô “dao găm cổ” đi giám định thì ngã ngửa rằng chất hợp kim đồng đó không phải thời kỳ Đông Sơn”.
Cổ nhân xưa có câu: “Đồ cổ mà định tuổi nhầm/ Đêm nằm mơ ngủ khóc thầm trong chăn” quả không sai. Vài năm trở lại đây, những câu chuyện về các món đồ kim loại có niên hiệu từ thời Tự Đức được bán với giá 20-30 triệu, trong khi giá trị thực chỉ 1,5-2 triệu đồng khá phổ biến. Bên cạnh đó, đồ đồng giả từ nước ngoài tràn vào Việt Nam được chế tác công phu đến mức những tay sưu tầm được coi là sừng sỏ cũng không ít lần “ngã ngựa”.
Anh Nguyễn Sỹ Đông chia sẻ: “Suy cho cùng, những người bị lừa là do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin mà thị trường đồ cổ ngầm lại vô cùng sôi động... Vì vậy, người sưu tầm đồ cổ cần những yếu tố để phát triển thị trường này một cách công khai. Dù hiện nay, Luật Di sản văn hóa đã được thực hiện, cũng có những cuộc đấu giá mỹ thuật, trong đó có bán những món đồ cổ, nhưng còn chưa quy củ và còn nhiều điều cần bàn”.
Chia tay anh Nguyễn Sỹ Đông, tôi càng hiểu thêm rằng, điều quan trọng nhất có lẽ là khuyến khích phát triển “đội quân” sưu tầm đổ cổ. Họ chính là lực lượng chính lưu giữ, bảo tồn và tránh bị “chảy máu” đồ cổ ra nước ngoài. Mọi quốc gia dù phát triển đến đâu cũng không thể kiểm soát hết được đồ cổ của nước mình mà cần nhờ vào những người sưu tầm đồ cổ, cần xã hội hóa “đội quân” này.