1. Giá thuốc
Chi phí của các loại thuốc tăng cao hơn so với mức cần thiết được chi để nghiên cứu và thử nghiệm đã gây ra sự bất bình. Bên cạnh đó, một số công ty cũng đã tìm cách thu lợi nhuận cao, dù không phải gánh vác chi phí phát triển. Điển hình có thể kể đến việc Công ty dược phẩm Turing hồi tháng 8 vừa qua tìm cách giành quyền tiếp thị tại Mỹ một loại thuốc chống tình trạng nhiễm ký sinh trùng đã được bán suốt 62 năm qua, để rồi tăng giá 1 viên thuốc từ 13,5 USD lên thành 750 USD. Một trường hợp khác là Công ty dược Valeant đã tăng giá đáng kể một số loại thuốc mà họ mua lại, trong đó có hai loại thuốc được các bệnh viện dùng để điều trị bệnh tim (tăng lên 525% và 212%). Hành vi của các công ty trên đã bị chính Hiệp hội các nhà nghiên cứu và sản xuất thuốc tại Mỹ chỉ trích.
2. Phương pháp điều trị ung thư
Những nỗ lực phát minh ra loại thuốc mới có thể chống lại sự phát triển các khối u có những bước tiến đáng kể trong năm 2015. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết, FDA đã phê duyệt cho loại thuốc Opdivo, được sản xuất bởi Công ty Bristol-Myers Squibb và thuốc Keytruda của Merck & Co, trong việc điều trị khối u ác tính, giúp thu nhỏ khối u của các bệnh nhân mắc ung thư phổi.
Bên cạnh đó, FDA cũng thông qua việc sử dụng kết hợp Opdivo và Yervoy để điều trị bệnh melanoma (ung thư da). Các chuyên gia tin tưởng rằng, việc kết hợp hai loại thuốc sẽ đem lại khả năng để điều trị căn bệnh này. Điều đặc biệt là các loại thuốc mới phát minh này chỉ nhắm vào tế bào ung thư mà không ảnh hưởng đến các mô khỏe mạnh khác trong cơ thể.
Tỷ lệ tiêm vaccine sởi thấp dễ tạo điều kiện lây lan trong đợt bùng phát. (Nguồn: Telegraph) |
3. Bệnh sởi và tiêm chủng
Bệnh sởi đã bắt đầu bùng phát tại khu giải trí Disneyland (California, Mỹ), sau đó lây lan cho gần 200 người tại 24 bang. Điều này đã gây lo ngại cho nhiều người, vì ngày càng nhiều bậc cha mẹ tại California không muốn đưa con của mình đi tiêm chủng. Mặc cho các bác sĩ và các quan chức y tế hối thúc, nhiều bậc cha mẹ vẫn e dè trong việc tiêm phòng cho trẻ nhỏ, bởi trong một số trường hợp, biến chứng của thuốc còn đáng sợ hơn căn bệnh này. Các chuyên gia y tế tại Mỹ cho biết, tỷ lệ tiêm phòng bệnh sởi thấp cũng khiến phạm vi lây lan rộng hơn.
4. Sàng lọc ung thư
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, khám nghiệm sàng lọc ung thư trước khi có bất cứ triệu chứng nào của bệnh là việc làm hết sức cần thiết đối với đa số người trưởng thành. Phụ nữ trong độ tuổi từ 40-44 tuổi nên tiến hành sàng lọc ung thư vú hàng năm bằng chụp nhũ ảnh (X-quang vú). Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên nên chụp X-quang vú 2 năm/lần, hoặc có thể tiếp tục sàng lọc ung thư vú hàng năm. Nam giới từ 50 tuổi trở lên nên đến tham vấn bác sỹ về những lợi ích và nguy cơ của việc sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến để có những quyết định cần thiết, phù hợp.
5. Dị ứng
Một nghiên cứu mới đây cho thấy, các trường hợp dị ứng lạc sẽ phát triển chậm hơn khi trẻ em được ăn lạc ngay từ nhỏ. Học viện Nhi của Mỹ đã công bố kết quả nghiên cứu, theo đó, trẻ em dưới 1 tuổi ăn thực phẩm có chứa lạc 3 lần/tuần hoặc nhiều hơn có thể tránh được nguy cơ bị dị ứng về sau. Vì thế, các nhà cung cấp dịch vụ y tế được đề nghị giới thiệu sản phẩm có chứa lạc vào chế độ ăn của trẻ sơ sinh ở độ tuổi từ 4 - 11 tháng có nguy cơ dị ứng cao.
6. Thực phẩm gây bệnh
E. coli và norovirus (nhóm virus gây bệnh tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng) bùng phát tại hệ thống nhà hàng Chipotle Mexican Grill khiến hơn 100 người bị nhiễm bệnh tại nhiều bang khác nhau của Mỹ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh cho biết, không chỉ virus E. coli và norovirus gây ra tình trạng này, mà còn có các loại vi khuẩn khác như salmonella và listeria. Giám đốc chuỗi nhà hàng Chipotle cho biết, công ty sẽ tăng cường kiểm tra thực phẩm trước khi chuyển cho các nhà hàng và tiến hành đào tạo nâng cao cho các nhân viên.
7. Vấn đề tuổi tác
Sau khi phân tích mối liên hệ giữa thời gian và tuổi tác, các nhà khoa học kết luận, quá trình lão hóa có thể bắt đầu tương đối sớm trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể làm chậm quá trình lão hóa, bởi vậy, các nhà khoa học đã bắt đầu một cuộc thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra khả năng các loại thuốc đó có khả năng ngăn chặn hoặc trì hoãn của một số bệnh tuổi già, như bệnh tim mạch và bệnh Alzheimer hay không?
Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có nguy cơ gây ung thư cao. (Nguồn: Life Hack) |
8. Những hiểm họa từ thịt
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có khả năng gây ung thư cao. Theo các nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí The Lancet Oncology mới đây, nhóm công tác gồm 22 chuyên gia tại 10 nước đã xem xét mối liên quan giữa việc dùng thịt đỏ và thịt chế biến sẵn với nguy cơ ung thư. Những phân tích cho thấy, sử dụng 50g thịt chế biến sẵn (tương đương 2 lát thịt xông khói) mỗi ngày khiến nguy cơ ung thư trực tràng có thể tăng thêm 18%. Tương tự, với lượng 100g thịt đỏ mỗi ngày, nguy cơ ung thư trực tràng có thể tăng thêm 17%. Việc dùng nhiều thịt đỏ cũng tăng thêm nguy cơ ung thư tuyến tụy và tuyến tiền liệt. Nhóm công tác IARC (Cơ quan Nghiên cứu bệnh ung thư quốc tế) ước tính, thịt chế biến sẵn gây ra khoảng 34.000 ca tử vong mỗi năm, trong khi thịt đỏ khiến khoảng 50.000 ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu.
9. Ngăn ngừa các bệnh tim mạch
Một chất ức chế có tên PCSK9 đã được chứng minh có khả năng làm giảm mỡ máu. FDA đã cấp phép cho hai loại thuốc giảm mỡ máu đầu tiên từ chất này, đó là alirocumab (Praluent) và evolocumab (Repatha). Thuốc giảm mỡ máu PCSK9 có hiệu quả đặc biệt đối với những người có tiền sử gia đình bị mỡ máu cao và những người không thể đạt được hiệu quả điều trị với statin, giúp ngăn ngừa các cơn đau tim. Dự kiến loại thuốc này sẽ được sử dụng vào cuối năm 2016.
10. Dr. Tech
Những thiết bị thông minh theo dõi sức khỏe đang ngày càng được sử dụng phổ biến. Những ứng dụng thông minh này sẽ cho phép theo dõi sát các hoạt động của bạn để đưa ra những lời khuyên về sức khỏe hữu ích cho mỗi người. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng sử dụng những ứng dụng này để theo dõi điều trị và tiến hành nghiên cứu.