Nhỏ Bình thường Lớn

Mỹ buộc phải cân bằng quan hệ với Trung Quốc vì... Triều Tiên?

TGVN. Với việc Triều Tiên luôn 'phớt lờ' lời mời, Washington buộc phải kêu gọi các nước trong khu vực gây sức ép với Bình Nhưỡng, trong đó có cả Bắc Kinh.

Sau khi kết thúc chuyến công du cấp cao đầu tiên đến châu Á vào ngày 18/3, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang trông chờ vào sự giúp đỡ của các đồng minh trong khu vực, nhằm ngăn chặn mối đe dọa ngày càng gia tăng đến từ tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên.

Trong khi đó, quốc gia nằm ở vị trí tốt nhất có thể gây ảnh hưởng đến Triều Tiên lại là nước từ lâu được coi là “đối thủ” của Mỹ, đó là Trung Quốc.

Mỹ buộc phải cân bằng quan hệ với Trung Quốc vì... Triều Tiên?
Trung Quốc sẽ là đối tác quan trọng của Mỹ trong vấn đề Triều Tiên? (Nguồn: chinausfocus)

Bế tắc với Triều Tiên

Sau các cuộc họp trong tuần vừa qua với Hàn Quốc và Nhật Bản, chính quyền của ông Biden nhận thấy họ đang gặp bế tắc về mặt ngoại giao với Triều Tiên. Điều này cũng không mấy làm lạ, bởi trước kia cựu Tổng thống Barack Obama cũng từng rất đau đầu trong quan hệ với Triều Tiên.

Còn cựu Tổng thống Donald Trump, mặc dù khẳng định có mối quan hệ đặc biệt với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhưng cuối cùng cũng không đạt được bất kỳ đột phá nào trong quan hệ song phương.

Đối với Mỹ, Triều Tiên luôn là một mối nguy ở khu vực. Không những vậy, những nỗ lực đối thoại gần đây của chính quyền Tổng thống Biden đều bị Triều Tiên từ chối. Trong bối cảnh không thể đơn phương làm bất cứ điều gì, Washington buộc phải kêu gọi các đối tác trong khu vực tham gia một chiến dịch gây áp lực với Bình Nhưỡng.

Ngày 18/3, sau cuộc hội đàm tại Seoul, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trả lời các phóng viên: “Liên quan đến Triều Tiên, sự tiếp cận hay sự cam kết quan trọng nhất, là với các đối tác và đồng minh của chúng tôi - đó là lý do chúng tôi ở đây”.

Ông cho biết, chính quyền Tổng thống Biden đang bàn bạc kỹ lưỡng với chính phủ Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia đồng minh khác về mối lo ngại trước các động thái của Triều Tiên.

Hợp tác với Trung Quốc?

Ngoại trưởng Mỹ từng thừa nhận: “Trung Quốc có lợi ích thực sự trong việc giúp giải quyết vấn đề Triều Tiên. Vì vậy, chúng tôi trông chờ Bắc Kinh sẽ đóng một vai trò trong việc thúc đẩy những gì được cho là lợi ích chung.” Theo ông Blinken, Trung Quốc cũng lo ngại về các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Chưa rõ vấn đề Triều Tiên đã được đề cập như thế nào trong cuộc đối thoại Mỹ - Trung tại Alaska, trong ngày 18 - 19/3 vừa qua. Nhưng quan hệ Mỹ-Trung hiện tại vẫn có nhiều trắc trở. Với bài phát biểu ngày 3/3 ở Bộ Ngoại giao, ông Blinken đã khẳng định Trung Quốc là “thách thức địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21 mà Mỹ đối mặt”.

Tuy nhiên, ông cũng nói rằng, quan hệ Mỹ-Trung Quốc sẽ là cạnh tranh khi cần thiết, sẽ là hợp tác khi có thể và sẽ là đối đầu khi bắt buộc phải như vậy. Và vấn đề Triều Tiên là một trong số ít lĩnh vực mà các quan chức Mỹ tin rằng, họ có thể hợp tác với Trung Quốc.

Ông Frank Aum, một chuyên gia Triều Tiên tại Viện Hòa bình Mỹ ở Washington nhận định: "Việc cố gắng thu hút sự ủng hộ của Trung Quốc vì mối quan hệ chính trị và kinh tế với Triều Tiên và toàn bộ khu vực là hợp lý."

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kỳ vọng Mỹ sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận ngoại giao với Triều Tiên và các cường quốc khu vực khác. Ông Moon cũng đã nhiều lần khẳng định rằng, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân và tập trung vào tăng trưởng kinh tế, nếu Washington đưa ra những hành động thích hợp.

Triều Tiên đã “trình làng” hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới lớn nhất của nước này hồi tháng 10/2020.
Triều Tiên đã “trình làng” hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới lớn nhất của nước này hồi tháng 10/2020.

Quan điểm của Triều Tiên

Bà Choe Son-hui, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Triều Tiên cho biết, nước này sẽ tiếp tục bác bỏ nỗ lực thiết lập đối thoại nếu Mỹ không từ bỏ “chính sách thù địch”. Theo bà, các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn cùng với việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên cần phải chấm dứt.

Trong một thông báo được đưa ra vài giờ sau khi các đặc phái viên cấp cao của Mỹ hạ cánh ở Tokyo vào đầu tuần này, Triều Tiên đã cảnh báo chính quyền Tổng thống Biden hãy ngừng “phát tán mùi thuốc súng”, nếu nước này muốn bình yên trong 4 năm tới.

Triều Tiên đã không tiến hành bất kỳ cuộc thử nghiệm vũ khí nào kể từ khi nước này phóng tên lửa tầm ngắn vào tháng 3 năm ngoái. Nhưng trong cuộc duyệt binh vào tháng 10/2020, Triều Tiên đã “trình làng” hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất và lớn nhất của nước này.

Trong một cuộc họp hồi tháng 1/2021, ông Kim Jong-un tuyên bố sẽ thúc đẩy hơn nữa năng lực hạt nhân của đất nước, chế tạo ra tên lửa liên lục địa mới, sử dụng nhiên liệu rắn và làm cho đầu đạn hạt nhân nhẹ hơn, chính xác hơn.

Bình Nhưỡng đã theo sát chặt chẽ các chuyến đi trong tuần này của ông Blinken và ông Austin tới Tokyo và Seoul để tìm manh mối về cách tiếp cận vấn đề của chính quyền ông Biden. Dự kiến, Triều Tiên sẽ đưa ra quyết định sau khi quan sát động thái của Washington.

Theo giới chuyên gia, quan điểm của Mỹ đối với Triều Tiên sẽ là sự kết hợp giữa việc gây áp lực và hoạt động ngoại giao. Mặc dù Trung Quốc chủ yếu thục giục Mỹ và Triều Tiên tự giải quyết các bất đồng, nhưng Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên vẫn khẳng định, Trung Quốc vẫn sẵn sàng hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.

TIN LIÊN QUAN
Đối thoại Alaska: Ông Dương Khiết Trì tuyên bố Mỹ 'không đủ tư cách' để nói chuyện trịch thượng với Trung Quốc
Đối thoại Mỹ-Trung Quốc: Truyền thông Trung Quốc nói Mỹ suy diễn lệch lạc về sự trỗi dậy kinh tế của Bắc Kinh
Giữa những phản ứng 'rầm rộ' từ Triều Tiên, Mỹ-Hàn Quốc hội đàm 2+2, tiết lộ vấn đề ưu tiên
Triều Tiên chỉ trích gay gắt Mỹ về những 'học thuyết điên cuồng' và 'lời khoa trương vô căn cứ'
Mỹ ra thông báo mới về Triều Tiên, lo ngại 'thành công đáng báo động', Bình Nhưỡng sắp có 'biến'?

(theo New York Times)