TIN LIÊN QUAN | |
Các nước châu Mỹ muốn tiếp tục hợp tác với Mỹ | |
Tổng thống Mỹ phủ quyết dự luật đường ống Keystone |
Phê duyệt dự án Keystone XL
Ngày 24/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh cho phép nối lại có điều kiện đối với dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL nối Mỹ và Canada. Sắc lệnh này nêu rõ tập đoàn TransCanada của Canada - đơn vị chủ chốt tham gia xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL - sẽ phải nộp lại đơn xin giấy phép để các cơ quan quản lý Liên bang Mỹ nhanh chóng xem xét chấp thuận.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ số phận cuối cùng của dự án đường ống dẫn dầu này bởi ngay sau khi ký sắc lệnh trên, Tổng thống Trump nhấn mạnh sẽ cho đàm phán lại một số điều khoản theo hướng có lợi cho người đóng thuế tại Mỹ. Ngoài ra, ông Trump cũng yêu cầu phần đường ống bên phía Mỹ sẽ phải được xây dựng bằng thép của Mỹ, trong khi phần lớn các nguyên liệu này đã được mua sẵn từ bên ngoài.
Sơ đồ đường ống dẫn dầu Keystone XL. (Nguồn: Trans Canada) |
Cùng ngày, Canada đã hoan nghênh sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc cho phép khôi phục có điều kiện dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL. Phát biểu với báo giới sau phiên họp nội các ở thành phố Calgary thuộc tỉnh Alberta, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho rằng dự án này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho phía Canada.
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cũng nhấn mạnh sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump có ý nghĩa lớn đối với Canada nói chung và tỉnh dầu mỏ Alberta nói riêng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài nguyên Canada Jim Carr khẳng định, đây là một quyết định “rất tích cực đối với Canada” vì sẽ giúp tạo ra tới 4.500 việc làm mới chỉ riêng trong hạng mục xây dựng đường ống, đồng thời sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực hợp tác năng lượng.
Keystone XL - dự án từng gây nhiều tranh cãi
Dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL nối Mỹ và Canada do tập đoàn TransCanada Corp của Canada và tập đoàn ConocoPhillips của Mỹ đề xuất năm 2008, có tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD, với tổng chiều dài 3.462km, chạy từ tỉnh Alberta của Canada tới Vịnh Mexico ở miền Nam nước Mỹ, đi qua 6 bang của nước này và kết thúc tại các nhà máy lọc dầu ở thành phố Houston và cảng Athur, bang Texas. Tuyến đường ống này dự kiến được xây dựng theo hai giai đoạn và khi hoàn tất có thể vận chuyển hơn 800.000 thùng dầu/ngày từ các mỏ dầu ở Canada tới các nhà máy lọc dầu ở các bang bờ biển phía Nam nước Mỹ.
Tuy nhiên, từ khi bắt đầu, dự án đường ống dẫn dầu xuyên quốc gia hợp tác giữa hai nước láng giềng Mỹ và Canada này đã trở thành vấn đề chính trị gây tranh cãi tại Mỹ. Thậm chí, đã có một “cuộc chiến” giữa Nhà Trắng với lưỡng viện Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát vốn ủng hộ xây dựng đường ống Keystone XL liên quan đến vấn đề này.
Các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa coi dự án Keystone XL là ưu tiên hàng đầu và cho rằng đây là dự án giúp tạo thêm việc làm cũng như tăng sự độc lập về năng lượng của Mỹ. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống mãn nhiệm Obama, đã nhiều lần bày tỏ nghi ngờ tính hiệu quả của dự án Keystone XL khi cho rằng dự án này sẽ không phục vụ cho các lợi ích quốc gia của Mỹ, không đóng góp vào tăng trưởng kinh tế dài hạn hay làm giảm giá khí đốt cũng như bảo vệ môi trường. Trong 8 năm lãnh đạo nước Mỹ, Tổng thống Obama đã bốn lần dùng quyền hành pháp để phủ quyết dự luật xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL dù đã được lưỡng viện Quốc hội thông qua.
Biểu tình phản đối dự luật xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL ngay trước Nhà Trắng. (Nguồn: Interreligious Eco-Justice Network) |
Dự án Keystone XL cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhóm hoạt động về môi trường ở Mỹ, do lo ngại đường ống sẽ làm tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và phá hủy môi trường. Theo các nhà hoạt động môi trường Mỹ, dự án này cũng sẽ tiêu tốn rất nhiều năng lượng để chiết xuất dầu và có thể dẫn tới thảm họa sinh thái nếu xảy ra sự cố tràn dầu, đe dọa tầng nước ngầm tại các bang thuộc khu vực cao nguyên rộng lớn ở miền Trung nước Mỹ, gây nguy hiểm cho các thị trấn ở nông thôn cũng như cho người dân địa phương.
Năm 2011, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường Mỹ từng tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối dự luật xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL ngay trước Nhà Trắng.
Trong khi đó, Canada cho rằng, dự án Keystone XL sẽ giúp tạo ra hàng nghìn việc làm cho cả hai nước và tăng cường an ninh năng lượng cho khu vực Bắc Mỹ. Phản ứng lại quyết định phủ quyết dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL nối giữa Mỹ và Canada của chính quyền Mỹ, Chính phủ Canada đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ sự thất vọng.
Các nhà phân tích cho rằng, với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump phê duyệt dự án Keystone XL với Canada, quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng và môi trường giữa Mỹ và Canada đã vượt qua được trở ngại.
Thủ tướng Canada bị điều tra vi phạm Đạo luật Xung đột Lợi ích Ngày 16/1, Ủy viên Giám sát Đạo đức và Xung đột Lợi ích Liên bang Canada Mary Dawson cho biết đã mở cuộc điều tra ... |
Đa số người dân Canada ủng hộ áp mức thuế mới đối với hàng hóa Mỹ Đa số người dân Canada ủng hộ hoặc ủng hộ một phần việc áp dụng mức thuế mới đối với hàng hóa sản xuất tại ... |
Đại sứ Mỹ tại Canada công bố quyết định từ chức Công bố của Đại sứ Bruce Heyman được đưa ra trên mạng xã hội Twitter. |