Cuộc gặp giữa quan chức ngoại giao Mỹ-Trung tại Thiên Tân, Trung Quốc vừa qua không đạt nhiều tiến triển. (Nguồn: THX) |
Xoay trục sang châu Á 2.0
Sự chuyển hướng của Mỹ với châu Á dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gửi đi một số tín hiệu tích cực ban đầu. Tuy nhiên, chiến lược này đã trải qua nhiều thăng trầm khi người kế nhiệm, ông Donald Trump từ bỏ một số sáng kiến lớn.
Giờ đây, Washington dưới thời Tổng thống Joe Biden đang tái định vị khu vực này trong chính sách đối ngoại của Mỹ với chiến lược “xoay trục sang châu Á 2.0”.
Vào tháng 6, bộ phận đặc trách Trung Quốc của Lầu Năm Góc đã trình bày các khuyến nghị, tập trung vào sự cạnh tranh lâu dài với Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thay đổi trong cách tiếp cận với Trung Quốc của Mỹ đã thể hiện rõ nét khi ông Kurt Campbell được bổ nhiệm làm Giám đốc chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một vị trí mới được thiết lập dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Bản thân ông Campbell là quan chức ngoại giao về châu Á hàng đầu dưới thời ông Obama và kiến trúc sư chính sách “xoay trục” của Washington. Do đó, quy trình bổ nhiệm phản ánh ưu tiên dành cho khu vực của nước Mỹ thời ông Joe Biden.
Về kinh tế, Mỹ đang cân nhắc về hiệp định thương mại kỹ thuật số bao gồm các nền kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây được cho là dấu hiệu báo trước về khả năng Mỹ tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Về mặt quân sự, nhiều sáng kiến nhằm nâng cao ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á đã được đề ra như thành lập lực lượng đặc nhiệm hải quân thường trực nhằm chống lại Trung Quốc ở Thái Bình Dương, chuyển hướng các lực lượng từ Trung Đông sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hàn gắn các mạng lưới liên minh bị rạn nứt, đầu tư nhiều tỷ USD để nâng cấp khí tài quân sự và định hình các phương pháp tiếp cận chiến thuật và tác chiến.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng đã giảm bớt sự tập trung quá mức vào khu vực Trung Đông khi triển khai quá trình rút quân khỏi Afghanistan và Iraq. Đây là điều mà cả hai người tiền nhiệm Barack Obama và Donald Trump đều không thực hiện được.
Giờ đây, Washington dưới thời Tổng thống Joe Biden đang tái định vị khu vực này trong chính sách đối ngoại của Mỹ với chiến lược “xoay trục sang châu Á 2.0”. |
Cách tiếp cận hai chiều
Trước viễn cảnh cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc, Washington dưới thời ông Biden muốn tập trung vào kiềm chế Bắc Kinh, thay vì chiến đấu cùng lúc trên hai mặt trận.
Mỹ cho thấy thái độ hòa giải hơn với Nga, trong khi vẫn cứng rắn với Trung Quốc. Cuộc gặp giữa ông Joe Biden và ông Vladimir Putin tại Geneva, Thụy Sỹ hồi tháng 6 được đánh giá là bình tĩnh, hiệu quả hơn hội đàm quan chức ngoại giao Mỹ-Trung ở Alaska, Mỹ và Thiên Tân, Trung Quốc.
Mỹ gia hạn Hiệp ước về Kiểm soát Vũ khí chiến lược (START) mới, trì hoãn lệnh trừng phạt đối với Dòng chảy phương Bắc 2 và kêu gọi xây dựng “mối quan hệ ổn định, có thể đoán trước được” với Nga là dấu hiệu cho quan hệ song phương có thể tan băng. Hai bên cũng đã đạt thỏa thuận về viện trợ Syria và tổ chức đối thoại về ổn định chiến lược.
Nỗ lực tập hợp lực lượng
Mỹ đang nỗ lực khôi phục hệ thống đồng minh, đối tác của mình khi thường xuyên cử các quan chức cấp cao tới châu Á và tiếp đón những người đồng cấp tại Nhà Trắng.
Trong khi Seoul vẫn cố gắng cân bằng giữa hai siêu cường, Tokyo rõ ràng đang đứng về phía Mỹ. Mới đây, Nhật Bản một lần nữa khẳng định an ninh Đài Loan đóng vai trò quan trọng đối với an ninh nước này trong Sách trắng quốc phòng.
Nhóm Bộ tứ đã tổ chức trao đổi sôi nổi với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở ngoại giao và quân sự. Philippines mới đây quyết định khôi phục Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) và tập trận quân sự chung Mỹ-Indonesia.
Washington cũng hoan nghênh sự tham gia nhiều hơn từ các đồng minh châu Âu khi London, Berlin và Paris tăng cường hiện diện ở châu Á. ASEAN và Bộ tứ có thể sẽ là những mấu chốt trong cuộc xoay trục mới nhất của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cùng Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi tại thủ đô Tokyo, tháng 3/2021. (Nguồn: Reuters) |
Sẵn sàng đối đầu
Trước viễn cảnh bị bao vây trong khu vực, Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang “cấu kết” với đồng minh để kiềm chế Bắc Kinh. Đồng thời, bên cạnh duy trì quan hệ ngoại giao và quân sự chặt chẽ với Nga, nước này tiếp tục theo đuổi chương trình nghị sự với ASEAN.
Cho rằng hợp tác ở thời điểm hiện tại không khả thi, Bắc Kinh đã loại nội dung về chống biến đổi khí hậu khỏi cuộc gặp Thiên Tân, cho đến khi Washington thay đổi thái độ.
Quan trọng hơn, Trung Quốc đang chuẩn bị cho trường hợp bùng phát căng thẳng với Mỹ. Bắc Kinh ưu tiên “chuẩn bị cho đấu tranh quân sự” và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) “sẵn sàng ứng phó” khi xảy ra bất ổn.
Nguy cơ đối đầu càng tăng khi Trung Quốc kiên quyết đấu tranh để thực hiện mục tiêu trăm năm và trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, thách thức vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.
Song Mỹ và Trung Quốc đều hiểu rằng căng thẳng bùng phát thành xung đột quân sự sẽ tác động nghiêm trọng toàn cầu. Do đó, Tổng thống Joe Biden đang xem xét thiết lập đường dây nóng với Trung Quốc, giống như “điện thoại đỏ” giữa Mỹ-Liên Xô năm nào. Với Mỹ và Trung Quốc, đối đầu khó tránh, song đối thoại cũng không thể bỏ.
| Đâu là trụ cột của kinh tế Trung Quốc? Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đang dựa trên hai trụ cột chính là ngành sản xuất và kinh tế Internet. |
| Lấy cạnh tranh Mỹ-Trung làm đòn bẩy, Nhật Bản đã sẵn sàng cho việc phát triển công nghệ lưỡng dụng? Chuyên gia nghiên cứu về chính sách và an ninh Nhật Bản Yuka Koshino* nhận định, chính phủ và cộng đồng khoa học Nhật Bản ... |