📞

Mỹ chấp thuận bán 3 hệ thống HIMARS cho Ukraine, Canada 'bắn' thêm 76 triệu USD ủng hộ hệ thống phòng không của Kiev

Chu Văn 12:47 | 11/05/2024
Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ (DSCA) ngày 10/5 thông báo, Bộ Ngoại giao nước này đã phê duyệt động thái tiềm năng bán 3 bệ phóng tên lửa đa nòng HIMARS cho Ukraine với giá 30 triệu USD.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt động thái tiềm năng bán 3 bệ phóng tên lửa đa nòng HIMARS cho Ukraine với giá 30 triệu USD. (Nguồn: EDF)

DSCA, cơ quan chuyên trang bị cho các lực lượng an ninh nước ngoài, trong một thông cáo xác nhận: "Bộ Ngoại giao đã đưa ra quyết định phê duyệt thương vụ quân sự nước ngoài khẩn cấp, theo đó sẽ cung cấp cho chính phủ Ukraine Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) cùng các yếu tố hậu cần liên quan và hỗ trợ chương trình với chi phí ước tính là 30 triệu USD”.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius ngày 9/5 thông báo các đồng minh phương Tây sẽ viện trợ thêm cho Ukraine 3 hệ thống HIMARS để quốc gia Đông Âu đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.

* Trong khi đó, ngày 10/5, Canada và Đức tuyên bố Canada sẽ đóng góp 76 triệu USD cho sáng kiến do Đức dẫn đầu nhằm gây quỹ cho hệ thống phòng không sẽ được gửi đến Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Canada Bill Blair và người đồng cấp Đức Boris Pistorius đã ký một lá thư bày tỏ ý định đóng góp cho sáng kiến Hành động tức thời về phòng không của Đức sau cuộc họp chung ở Ottawa.

Sáng kiến trên sẽ huy động tiền và nguồn lực từ các đối tác quốc tế để nhanh chóng tạo nguồn và cung cấp các hệ thống phòng không cho chiến trường Ukraine.

Theo ông Blair, khoản đầu tư này sẽ giúp Ukraine tự vệ trước các cuộc tấn công của Nga. Trong khi đó, người phát ngôn của văn phòng ông Blair xác nhận, khoản tiền trên được trích từ khoản viện trợ quân sự trị giá 1,6 tỷ USD cho Ukraine trong 5 năm được công bố trong ngân sách liên bang gần đây nhất.

Canada đã cam kết chi 406 triệu USD để mua Hệ thống tên lửa đất đối không (NASAMS) và tên lửa từ Mỹ từ hơn một năm trước, nhưng sự chậm trễ trong sản xuất đã cản trở việc cung cấp hệ thống đó.

Điều này buộc Canada phải chuyển sang các sáng kiến như của Đức và một sáng kiến tương tự do Anh dẫn đầu, trong đó Ottawa đã đóng góp khoảng 33 triệu USD vào tháng 9 năm ngoái.

Những chậm trễ tương tự trong sản xuất pháo đã khiến Canada phải hợp tác với CH. Czech mua các loại đạn từ kho của châu Âu để có thể nhanh chóng chuyển cho Ukraine, với chi phí 53 triệu USD.

(theo TASS)