Mỹ đã chính thức tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015, động thái cho thấy Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực đưa nước Mỹ dẫn dắt các hành động toàn cầu ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp mới từ ngày mới nhậm chức, trong đó chính thức đưa Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. (Nguồn: AP) |
Mỹ - quốc gia có lượng khí phát thải CO2 lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, đã chính thức rút khỏi Hiệp định này vào tháng 11/2020 sau khi Tổng thống lúc đó là ông Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định. Tuy nhiên, Tổng thống Biden kế nhiệm đã từng cam kết đảo ngược quyết định này và ngay trong ngày nhậm chức (20/1), ông đã ký một văn bản xác nhận, Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Tổng thống Biden cũng cam kết đưa nội dung xử lý khủng hoảng khí hậu thành vấn đề ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Ông cũng thông báo kế hoạch sẽ chủ trì một hội nghị cấp cao về khí hậu vào ngày 22/4 tới, nhằm kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thực hiện cam kết quốc gia đầy tham vọng là giảm lượng khí thải gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh, chống biến đổi khí hậu sẽ một lần nữa là trung tâm của các ưu tiên chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ.
Ngay lập tức, Nhật Bản đã hoan nghênh việc Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nói rằng, Tokyo muốn tăng cường các nỗ lực hợp tác để giải quyết tình trạng ấm lên toàn cầu.
Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Shinjiro Koizumi nhấn mạnh, việc Mỹ quay trở lại Hiệp định là "tin tức tuyệt vời hướng tới thực hiện các mục tiêu (của hiệp định)". Ông lưu ý rằng, "không có sự hợp tác (với chính quyền của cựu Tổng thống Trump), chẳng hạn như, tổ chức các cuộc đàm phán hàng tháng, đã khiến việc giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu trở nên khó khăn.
Các nhà lãnh đạo thế giới mong đợi Mỹ sẽ chứng tỏ sự nghiêm túc của mình sau 4 năm vắng bóng khá nhiều trong các thỏa thuận và tổ chức quốc tế.
Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, việc tái gia nhập chính thức của Mỹ “rất quan trọng”. Ông đánh giá cao tuyên bố của ông Biden rằng, Mỹ sẽ tái khởi động chương trình cung cấp viện trợ ứng phó biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển như đã hứa vào năm 2009.
Giám đốc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc Inger Andersen thì cho rằng, Mỹ phải chứng minh vai trò lãnh đạo của mình đối với phần còn lại của thế giới. Chính quyền Tổng thống Biden đã cam kết đưa ra những mục tiêu cụ thể về khí hậu trước Hội nghị thượng đỉnh Ngày Trái đất vào tháng 4 tới.