Từ tháng 5/2022, Đại sứ quán Mỹ tại Cuba bắt đầu nối lại hoạt động xử lý thị thực nhập cư hạn chế sau hơn 4 năm tạm hoãn. (Nguồn: AFP) |
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 14/1, phái đoàn gồm các quan chức ngành ngoại giao, tư pháp và an ninh quốc gia sẽ tới Cuba thảo luận các vấn đề chung như thực thi pháp luật và cách tiếp cận mới đối với chính quyền của Tổng thống Joe Biden.
Bộ trên nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác thực thi pháp luật quốc tế sẽ giúp nước này bảo vệ công dân tốt hơn và đưa tội phạm xuyên quốc gia ra trước công lý. Các vấn đề như buôn bán ma túy, buôn người trong bối cảnh di cư bất hợp pháp và khủng bố gia tăng có thể nằm trong chủ đề chính của chương trình nghị sự song phương.
Đây sẽ là phái đoàn Mỹ đầu tiên tới Cuba trong năm 2023. Theo Wion, chuyến đi là động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm cải thiện quan hệ với Cuba trong bối cảnh quốc gia Caribe phải đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng và làn sóng di cư chưa từng có.
Trước đó, hôm 8/1, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel yêu cầu Mỹ tôn trọng đầy đủ các thỏa thuận di cư trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau khi Thống đốc bang Florida Ron DeSantis điều động Lực lượng vệ binh quốc gia Mỹ vào tối 6/1 để ứng phó làn sóng người di cư Cuba tới quốc gia láng giềng này.
Theo số liệu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, kể từ ngày 1/10 vừa qua, cơ quan này đã chặn 4.153 người di cư Cuba, con số cao hơn đáng kể so với 838 người ghi nhận trong cả năm 2021.
Trong một diễn biến khác, ngày 12/1, Cuba đã tiếp quản chức chủ tịch luân phiên của Nhóm các nước đang phát triển (G77) và Trung Quốc, vốn ủng hộ lợi ích của các quốc gia đang phát triển tại Liên hợp quóc.
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez tiếp quản quyền lãnh đạo từ vị trí chủ tịch do Pakistan đảm nhiệm hồi năm ngoái.
Nhóm hiện có 134 quốc gia là thành viên, nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi ban đầu.