Căn cứ Không quân Niger 201 ở Agadez, Niger. (Nguồn: AP) |
Một quan chức ngoại giao cấp cao giấu tên của Mỹ tiết lộ: “Thủ tướng (Niger) đã yêu cầu chúng tôi rút quân đội Mỹ và chúng tôi đã đồng ý thực hiện yêu cầu đó”.
Tháng trước, phe nổi dậy nắm quyền ở Niger đã hủy bỏ hiệp định quân sự với Mỹ. Thỏa thuận trước đây cho phép Mỹ triển khai khoảng 1.100 quân đồn trú tại quốc gia Tây Phi.
Ngày 26/7/2023, một nhóm binh sĩ thuộc Lực lượng vệ binh Tổng thống Niger (PG) đã thực hiện cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum và tuyên bố xóa bỏ quyền lực của ông.
Sau cuộc đảo chính, phe nổi dậy đã thành lập Hội đồng Quốc gia bảo vệ tổ quốc, do Tư lệnh PG - Tướng Abdourahmane Tchiani - đứng đầu.
Theo giới quan sát an ninh quốc tế, Niger lâu nay luôn được xem là đối tác quan trọng của Mỹ ở Tây Bắc châu Phi, đặc biệt là trong các hoạt động chống khủng bố của siêu cường này tại khu vực trong gần một thập kỷ qua. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Niger ngày càng xấu đi, nổi bật nhất là việc Mỹ đã cắt phần lớn viện trợ quân sự và viện trợ nước ngoài cho Niger vào cuối năm ngoái, sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng 7/2023.
Giới chuyên gia chính trị, an ninh quốc tế nhận định, nếu Mỹ buộc phải rút quân khỏi Niger, các nỗ lực chống khủng bố của Mỹ trên toàn khu vực có thể bị ảnh hưởng. Dễ thấy nhất là máy bay không người lái của Mỹ xuất phát từ căn cứ không quân ở thành phố Agadez của Niger giúp Mỹ giám sát các mối đe dọa ở khu vực Sahel từ một vị trí tương đối thuận lợi và ổn định, đặc biệt là trong bối cảnh, các tổ chức khủng bố đang leo thang bạo lực ở một số nước láng giềng của Niger là Mali và Burkina Faso.
Vì vậy, việc Mỹ mất “chỗ đứng” ở Niger chắc chắn sẽ gây ra nhiều bất lợi. Mặt khác, việc Mỹ rút 650 quân đồn trú tại Niger cũng sẽ tạo ra khoảng trống để các tổ chức Hồi giáo cực đoan có thể khai thác.