Mỹ đột ngột hoãn lệnh cấm Huawei trong 90 ngày. (Nguồn: Getty Images) |
Với khoảng thời gian 90 ngày nêu trên, Bộ Thương mại Mỹ cho phép Huawei tiếp tục mua hàng của Mỹ nhằm duy trì mạng hiện tại và cung cấp các bản cập nhật phần mềm cho các sản phẩm di động của Huawei hiện nay.
Tuy nhiên, Huawei vẫn bị cấm mua các sản phẩm và linh kiện Mỹ để sản xuất các sản phẩm mới nếu không được Chính phủ Mỹ cấp phép. Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, việc nới lỏng lệnh cấm như trên sẽ tạo điều kiện cho các nhà cung cấp viễn thông vốn lệ thuộc vào thiết bị của Huawei có thời gian để có những điều chỉnh riêng.
Văn kiện của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, sự trì hoãn này không làm thay đổi lệnh cấm do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt với lý do an ninh quốc gia, một hành động có ý nghĩa lớn đối với các công ty công nghệ của Mỹ và Trung Quốc.
Huawei hiện chưa đưa ra phản ứng với thông tin trên. Bộ Thương mại Mỹ cũng cho biết sẽ đánh giá liệu có gia hạn lệnh cấm ngoài thời điểm trên hay không.
Ngày 15/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị nước ngoài "có thể gây nguy hại an ninh quốc gia của Mỹ hoặc an ninh và an toàn của người Mỹ". Bộ Thương mại Mỹ cũng đã bổ sung tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei và 68 thực thể vào một danh sách đen xuất khẩu nhằm cấm tập đoàn này mua các bộ phận và công nghệ từ các công ty Mỹ nếu chưa có sự đồng ý của Chính phủ Mỹ.
Ngay sau đó, các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ, từ các nhà sản xuất chip đến Google, đã ngừng cung cấp phần mềm và các linh kiện quan trọng cho Huawei. Theo một nguồn tin thân cận, các nhà sản xuất chip điện tử như Intel Corp., Qualcomm Inc., Xilinx Inc. và Broadcom Inc. đã thông báo với nhân viên công ty về quyết định ngừng cung cấp linh kiện cho Huawei cho đến khi có thông báo mới. Các công ty công nghệ như Google, Alphabet Inc. cũng tuyên bố ngừng cung cấp phần mềm và một số dịch vụ phần mềm cho Huawei.
Các chuyên gia đánh giá các động thái trên sẽ gây khó khăn cho Huawei, vốn được xem là nhà cung cấp thiết bị mạng lớn nhất và là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, việc ngăn chặn bán linh kiện quan trọng cho Huawei cũng có thể phá vỡ các hoạt động kinh doanh của các "đại gia" chip của Mỹ như Micron Technology Inc. và làm trì hoãn việc triển khai các mạng không dây 5G trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Trung Quốc. Điều này có thể làm tổn hại các công ty Mỹ đang ngày càng phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc.
Cùng ngày, Huawei thông báo sẽ tiếp tục cung cấp các gói cập nhật an ninh và dịch vụ cho các điện thoại thông minh và máy tính bảng của hãng này, sau khi tập đoàn công nghệ Google tuyên bố sẽ tuân thủ lệnh cấm doanh nghiệp Trung Quốc này cập nhật hệ điều hành Android của hãng công nghệ Mỹ.
Một người phát ngôn của Huawei cho hay: "Chúng tôi đã có đóng góp đáng kể cho sự phát triển và tăng trưởng của (hệ điều hành) Android trên toàn thế giới. Huawei sẽ tiếp tục cung cấp các bản cập nhật an ninh và dịch vụ hậu mãi cho toàn bộ sản phẩm điện thoại thông minh và máy tính bảng Huawei và Honor hiện có, gồm cả những sản phẩm đã được bán và số vẫn còn lưu kho trên toàn thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng một hệ sinh thái phần mềm an toàn và tin cậy nhằm cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho tất cả khách hàng trên toàn thế giới".