📞

Mỹ-EU: Thỏa thuận 'đình chiến' đã có, căng thẳng vẫn còn?

Linh Chi 19:40 | 16/06/2021
Mỹ-EU đã đạt được thỏa thuận lịch sử chấm dứt tranh chấp kéo dài 17 năm về các khoản trợ cấp cho Boeing và Airbus. Tuy nhiên, bước đột phá này vẫn để lại một số mâu thuẫn chưa thể giải quyết.
Mỹ-EU đạt được thỏa thuận hướng tới việc chữa lành mối quan hệ thương mại khổng lồ của hai bên. (Nguồn: Russia Now)

Ngày 15/6, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt rạn nứt kéo dài 17 năm về các khoản trợ cấp cho Boeing và Airbus. Thỏa thuận này sẽ tạm ngừng hàng tỷ USD thuế quan trừng phạt, làm dịu căng thẳng xuyên Đại Tây Dương và cho phép hai bên tập trung vào một mối đe dọa kinh tế chung: Trung Quốc.

Tuy nhiên, bước đột phá vẫn để lại một số mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và EU chưa được giải quyết. Nổi bật nhất, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn giữ nguyên mức thuế nhập khẩu mà cựu Tổng thống Donald Trump đã áp đối với thép và nhôm của EU, một động thái mà cách đây 3 năm từng khiến một số đồng minh của Mỹ tức giận.

Dấu chấm hết cho tranh chấp 17 năm

Hiện tại, thỏa thuận “đình chiến” trong tranh chấp Boeing-Airbus đang hướng tới việc chữa lành mối quan hệ thương mại khổng lồ (đạt 933 tỷ USD thương mại hai chiều vào năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19) giữa hai bên. Mỹ-EU đã có nhiều vấn đề khúc mắc trong những năm cựu Tổng thống Trump đương nhiệm.

Có thể khẳng định, không có tranh chấp thương mại nào giữa hai bên bùng phát lâu hơn xung đột giữa Boeing-Airbus. Kể từ năm 2004, Mỹ và EU đã cáo buộc nhau trợ cấp không công bằng cho các công ty chế tạo máy bay khổng lồ - Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu.

Trong 2 năm qua, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã tuyên bố cả hai bên đều có lỗi và cho phép Mỹ áp đặt thuế quan lên tới 7,5 tỷ USD và EU với mức thuế quan 4 tỷ USD.

Các đòn trả đũa “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và EU đã khiến các các công ty không liên quan gì đến sản xuất máy bay như các nhà sản xuất rượu của Pháp, bánh quy của Đức và sản xuất rượu mạnh ở Mỹ cũng bị "dính đòn". Thỏa thuận lịch sử này cũng xem như một biện pháp cứu trợ cho các công ty ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Vào tháng 3/2021, sau khi Tổng thống Biden nhậm chức, hai bên đã đồng ý tạm dừng áp thuế, bắt đầu từ ngày 11/3 và kéo dài trong 4 tháng. Thỏa thuận mới sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 11/7 và sẽ tạm hoãn thuế quan trong 5 năm.

William Reinsch, một cựu quan chức thương mại Mỹ, hiện là nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhấn mạnh: “Đó rõ ràng là một dấu hiệu tốt. Thỏa thuận sẽ bổ sung ‘một yếu tố chắc chắn và tỉnh táo’ cho thương mại xuyên Đại Tây Dương”.

Thỏa thuận này có thể giúp Airbus và Boeing cùng nhau thống trị thị trường máy bay dân dụng toàn cầu. Gần đây, cả hai doanh nghiệp này đã phải vật lộn với việc giảm đơn đặt hàng và giao hàng vào thời điểm đại dịch Covid-19 tàn phá ngành du lịch và hàng không.

Thỏa thuận nêu rõ, Mỹ và EU nhận ra rằng, Boeing và Airbus phải đối mặt với mối đe dọa từ bên ngoài lớn hơn nhiều. Đơn cử như Trung Quốc, quốc gia đang nỗ lực trở thành cường quốc công nghiệp thống trị thế giới, hiện có đã có kế hoạch phát triển sản xuất máy bay của riêng mình.

Nhà phân tích Reinsch nhấn mạnh: "Bắc Kinh sẽ tạo ra một thị trường lớn, máy bay của họ sẽ ngày càng tốt hơn và rẻ hơn. Khi điều đó xảy ra, máy bay mang thương hiệu Trung Quốc sẽ bắt đầu tràn ngập thị trường toàn cầu".

Washington và Brussels đã đồng ý "bắt tay" nhau cùng chống lại những nỗ lực của Bắc Kinh. Hai quốc gia này có kế hoạch thực hiện hành động chung chống lại các hành vi thương mại không công bằng.

Đưa ra quan điểm của mình, nhà phân tích hàng không vũ trụ của Teal Group Richard Aboulafia, gợi ý rằng, thỏa thuận này sẽ giúp Mỹ và châu Âu xoay trục để thể hiện một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc.

Trung Quốc đang muốn đi theo con đường riêng và khi đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất hành tinh cho Airbus và Boeing có thể biến mất.

Nhà phân tích này dự đoán: "Thỏa thuận Mỹ-EU sẽ không ngăn cản Trung Quốc làm điều đó, nhưng ít nhất họ có thể ngăn chặn một kịch bản mà Trung Quốc chia rẽ phương Tây với Mỹ".

Vẫn còn khúc mắc

Tuy nhiên, nhà phân tích Reinsch cũng lưu ý, Mỹ và EU vẫn để lại một số vấn đề chưa giải quyết trong tranh chấp trợ giá máy bay. Chẳng hạn như vấn đề liệu Airbus có phải hoàn trả các khoản trợ cấp của chính phủ mà họ đã nhận trong nhiều năm hay không? Mỹ cho biết trong một tờ thông tin, hai bên đã đồng ý thành lập một nhóm để phân tích và khắc phục bất kỳ bất đồng nào có thể nảy sinh.

Bên cạnh đó, Washington và các đối tác thương mại châu Âu vẫn còn mâu thuẫn gay gắt về mức thuế thép và nhôm năm 2018, từng khiến quan hệ hai bên sóng gió trong nửa cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump.

Tranh chấp này bắt nguồn từ việc chính quyền Tổng thống Donald Trump vào tháng 3/2018 quyết định áp thuế bổ sung đối với xuất khẩu thép và nhôm của EU, tương đương khoảng 6,4 tỷ Euro. Đáp lại, Liên minh châu Âu cũng áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ trị giá 2,8 tỷ Euro và 3,6 tỷ Euro nữa ngay từ tháng tới, để bù đắp những thiệt hại mà biện pháp thuế quan của Mỹ gây ra.

Mặc dù cam kết hàn gắn quan hệ thương mại với châu Âu, nhưng vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ cho đến nay vẫn giữ nguyên mức thuế quan do cựu Tổng thống Trump đưa ra.

Theo các nhà phân tích, các mức thuế quan này không trực tiếp giải quyết vấn đề lớn nhất mà các nhà sản xuất thép và nhôm phải đối mặt, đó là sản xuất quá mức từ Trung Quốc, khiến giá kim loại toàn cầu thấp hơn so với mức bình thường. Điều này sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các ngành công nghiệp thép và nhôm của EU và Mỹ cũng như người lao động trong các ngành này.

Tuy nhiên, trong một cử chỉ thiện chí vào tháng 5/2021, EU đã đồng ý tạm dừng kế hoạch leo thang thuế quan đối với các sản phẩm kim loại của Mỹ. Trong một tuyên bố chung, hai bên cũng cho biết, sẽ cùng nhau giải quyết tình trạng sản xuất quá mức thép và nhôm.

(theo AP)