📞

Mỹ: Gần 2.500 lính cứu hỏa đang chiến đấu với vụ cháy rừng nghiêm trọng ở California

Kha Ninh 19:26 | 29/07/2024
Vụ cháy rừng mới đây đã thiêu rụi gần 142 nghìn ha, trở thành vụ hoả hoạn lớn thứ bảy từng được ghi nhận trong lịch sử California, Mỹ.

Hơn 4.000 người đã được sơ tán khỏi thị trấn Cohasset và Forest Ranch và 400 người khỏi thành phố nhỏ Chico, phía Bắc bang California (Mỹ), do đám cháy rừng lớn và lan rộng với tốc độ rất nhanh. Trong ảnh: Một ngôi nhà bị lửa thiêu rụi khi đám cháy rừng bùng phát gần Chico, California, Mỹ, ngày 25/7. (Nguồn: Reuters)

Đám cháy được đặt tên là Park, bùng phát từ ngày 24/7 gần Chico, ở quận Butte, chỉ trong vài giờ đã tàn phá một khu vực rộng lớn và quận Tehama lân cận. Lực lượng cứu hỏa đang phải chiến đấu với gió mạnh và điều kiện khô hạn nguy hiểm để tìm cách dập tắt đám cháy. (Nguồn: Reuters)

Tính đến đêm 26/7, 97.000 ha rừng đã bị thiêu rụi, 134 công trình bị phá hủy. Đám cháy đang tiếp tục bùng phát mạnh hơn. Đến ngày 28/7, đám cháy đã thiêu rụi gần 142 nghìn ha rừng. Trong ảnh: Những chiếc xe cổ bị đám cháy thiêu rụi. (Nguồn: Reuters)

Chỉ trong vòng 4 ngày, Park trở thành đám cháy lớn thứ 7 trong lịch sử bang California theo diện tích đất và là đám cháy rừng dữ dội nhất tấn công bang California trong mùa Hè, sau đợt nắng nóng khủng khiếp. Trong ảnh: Đường cao tốc gần Paynes Creek bị lửa bao phủ. (Nguồn: AFP)

Đám cháy đã tạo ra cột khói xám dày đặc khổng lồ, với những đám mây bụi như những đám mây của một cơn bão dữ dội, có thể nhìn thấy từ các bang lân cận. Phát biểu tại cuộc họp báo, chỉ huy lực lượng cứu hỏa, ông Billy See cho biết: “Đám cháy này đã lan rộng nhanh chóng với tốc độ 1.600-2.000 ha mỗi giờ". Trong ảnh: Ngọn lửa từ đám cháy lan rộng khắp xa lộ 36 gần Paynes Creek, quận Tehama. (Nguồn: AFP)

Theo cơ quan cứu hỏa Cal Fire của bang California, hiện tại, đám cháy chưa được kiểm soát, bất chấp nỗ lực của khoảng 2.500 lính cứu hỏa. Các sở cứu hỏa từ khắp bang đã cử đội cứu hỏa đến chi viện. (Nguồn: AFP)

Ít nhất 16 máy bay trực thăng và máy bay chữa cháy đang chiến đấu với ngọn lửa, cũng như nhiều máy bay chở nước từ trên trời đổ nước khi điều kiện cho phép. Vụ cháy rừng đã buộc giới chức phải sơ tán bắt buộc ở Butte, trong khi 400 người ở Cohasset được di dời khi ngọn lửa bùng cháy ngoài tầm kiểm soát. Trong ảnh: Máy bay rải chất chống cháy xuống một sườn núi gần Paynes Creek. (Nguồn: AFP)

Đám cháy đến nay khiến 134 công trình bị phá hủy, 4.200 công trình bị đe dọa. Cơ quan cứu hỏa của bang cho biết, đám cháy chỉ được khống chế khoảng 10% tính đến sáng 28/7. (Nguồn: AFP)

Đây hiện là vụ cháy lớn nhất ở bang này trong năm nay, thiêu rụi diện tích gấp hơn 1,5 lần diện tích của 5 quận của thành phố New York. (Nguồn: AFP)

Chỉ huy Lực lượng cứu hỏa quận Butte, ông Garrett Sjolund cho biết: “Chúng tôi đang tìm cơ hội để triển khai các nguồn lực có thể kiểm soát được đám cháy”. Trong ảnh: Lính cứu hỏa theo dõi ngọn lửa và khói bao phủ một thung lũng ở khu vực Forest Ranch. (Nguồn: AFP)

Trước đó, ngày 25/7, cảnh sát đã bắt giữ một người đàn ông 42 tuổi vì nghi ngờ đã gây ra hỏa hoạn bằng cách đẩy một chiếc ô tô đang cháy xuống khe núi. Cơ quan công tố xác định người đàn ông này là Ronnie Dean Stout II và cho biết đối tượng này sẽ bị giam giữ mà không được tại ngoại cho đến khi ra trình diện trước tòa vào tuần tới. (Nguồn: AP)

Cơ quan dự báo thời tiết của bang đã ban hành cảnh báo đỏ cho khu vực này, đồng thời dự báo điều kiện thời tiết “nghiêm trọng” có thể gây hỏa hoạn. Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu ngày càng dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn. (Nguồn: AP)

Bang California đang bắt đầu mùa cháy rừng được dự báo là sẽ dữ dội với 20 đám cháy hiện đang diễn ra. Trong khi đó, các cộng đồng ở phía Bắc, tại các bang Washington và Oregon đang bị đe dọa bởi 40 đám cháy rừng. (Nguồn: AP)

Canada, nước láng giềng của Mỹ cũng chứng kiến một loạt vụ cháy rừng, trong đó một đám cháy lớn đã thiêu rụi phần lớn thị trấn du lịch Jasper ở phía Tây tỉnh Alberta. Trong ảnh: Khói và lửa bốc lên từ đám cháy rừng đang bùng phát ở rìa thành phố Williams Lake thuộc vùng Cariboo, British Columbia, Canada. (Nguồn: Reuters)

(theo Al Jazeera)