Giám đốc USAID Việt Nam Michael Greene cho biết: “Các tổ chức dựa vào cộng đồng là những đối tác quan trọng khi mà Việt Nam phấn đấu đạt các mục tiêu tham vọng của mình. Chúng tôi hy vọng tổ chức LIFE sẽ giúp củng cố năng lực của các tổ chức dựa vào cộng đồng và các dịch vụ HIV/AIDS mà các tổ chức này cung cấp để hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS bền vững ở Việt Nam.”
Dự án Tăng cường Kết nối Cộng đồng Phòng chống HIV của USAID được thực hiện tại TP Hồ Chí Minh sẽ cung cấp các dịch vụ HIV/AIDS hiệu quả, dựa vào cộng đồng cho cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và người sống chung với HIV (PLHIV). Trong 2 năm đầu, dự án sẽ đóng góp đáng kể cho cuộc chiến chống HIV tại Việt Nam thông qua việc cung cấp dịch vụ cho trên 18.000 nam quan hệ tình dục đồng giới và 1.550 người sống chung với HIV.
Dự án sẽ đóng góp đáng kể cho cuộc chiến chống HIV tại Việt Nam. (Nguồn: APA) |
Mục tiêu tổng thể của dự án là tăng cường khả năng của các tổ chức dựa vào cộng đồng trong phòng chống đại dịch HIV thông qua việc củng cố năng lực con người, tổ chức và năng lực vận động chính sách. Dự án sẽ huy động thành viên của các tổ chức trong nước áp dụng các cách tiếp cận sáng tạo và hiệu quả trong phát hiện ca nhiễm HIV mới và kết nối các nhóm dân số có nguy cơ tới các dịch vụ chăm sóc y tế.
Dự án này đã cung cấp các dịch vụ HIV/AIDS dựa vào cộng đồng cho 8.000 người nghiện chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ mại dâm và 2.000 người chung sống với HIV tại TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và An Giang.
Dự án mới do Mỹ tài trợ sẽ tiếp tục phát huy những thành công từ Dự án Cộng đồng Phòng chống HIV các tỉnh phía Nam do tổ chức LIFE thực hiện từ tháng 5/2014 đến tháng 5/2016. Dự án cũng giúp tăng cường năng lực cho 23 tổ chức dựa vào cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực HIV/AIDS tại các tỉnh này và thúc đẩy sự phối kết hợp với các bên có liên quan then chốt trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS ở cấp tỉnh cũng như cấp quốc gia.
Kể từ năm 2004, Chính phủ Mỹ thông qua Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Mỹ về phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR) đã hợp tác với Việt Nam để giúp chuyển HIV từ chỗ là chẩn đoán vô phương cứu chữa thành một căn bệnh có thể điều trị được. Cả nước đã có trên 110.000 người chung sống với HIV đã bắt đầu được điều trị bằng thuốc kháng virus và số người được điều trị tăng thêm mỗi ngày.
Thông qua PEPFAR, Chính phủ Mỹ hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Quỹ toàn cầu và các đối tác khác để tạo dựng một thành quả vững bền khi Việt Nam ngày càng dành nghiều ngân sách và tiếp nhận thêm nhiều trách nhiệm trong công tác dự phòng, điều trị và loại bỏ HIV.