Ngày 8/6, Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã khai mạc Hội nghị Cấp cao về HIV/AIDS 2021 nhằm đánh giá các nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS của LHQ từ năm 2016 đến nay và tiếp tục trao đổi các biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu xoá bỏ dịch bệnh này vào năm 2030.
Với chủ đề “Chấm dứt bất bình đẳng. Chấm dứt AIDS”, sự kiện có sự tham dự và phát biểu của 132 quốc gia thành viên LHQ, đại diện các nhóm nước, các khu vực và các tổ chức phi chính phủ (NGOs), trong đó có 23 nước cử đại diện ở cấp lãnh đạo chính phủ và 66 nước cử đại diện ở cấp bộ trưởng tham dự.
Phát biểu từ Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, để đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030, thế giới “đã chạy nhanh rồi nhưng phải chạy nhanh hơn nữa”.
Bằng thực tiễn chống HIV/AIDS tại Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải đảm bảo nguồn lực, nhất là nguồn lực cho các nước đang phát triển, bảo đảm được chuỗi cung ứng các loại thuốc để chống loại virus này, cũng như các sản phẩm để người dân có thể tự xét nghiệm cho mình. Phó Thủ tướng cũng cho rằng, phải nhanh chóng tìm ra phương pháp chữa khỏi cũng như phát triển được vaccine ngừa căn bệnh này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại cam kết của Việt Nam cũng là lời kêu gọi cộng đồng quốc tế, rằng để đạt được mục tiêu 90-90-90 (gồm 90% người có HIV biết được tình trạng bệnh của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp) và sắp tới đây là mục tiêu 95-95-95, thế giới cần nỗ lực 100-100-100 và hơn thế nữa.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch ĐHĐ LHQ Volkan Bozkir, Phó Tổng Thư ký Amina J. Mohammed và Giám đốc điều hành UNAIDS Winnie Byanyima đánh giá cao sự tham gia tích của các quốc gia thành viên trong việc đối phó với dịch bệnh HIV/AIDS trong nhiều năm qua. Các ý kiến đánh giá “lạc quan thận trọng” về việc thế giới có thể đạt được mục tiêu đẩy lùi căn bệnh chết người này vào năm 2030.
Chủ tịch ĐHĐ LHQ cho rằng AIDS là dịch bệnh của bất bình đẳng, nếu muốn đẩy lùi AIDS vào năm 2030 thì bắt buộc phải đầy lùi bất bình đẳng. Đây vừa là điều kiện, vừa là kết quả của việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững 2030.
Theo UNAIDS, tính đến năm 2020, thế giới có 37,6 triệu người đang sống chung với căn bệnh này, trong đó 27,4 triệu người đang được điều trị, gấp hơn 3 lần so với con số 7,8 triệu người được ghi nhận vào năm 2010. Trong một thập kỷ qua, số người tử vong do HIV/AIDS đã giảm 43% xuống còn 690.000 người vào năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ tỷ vong hàng đầu vẫn là phụ nữ tuổi từ 15 - 49 tại khu vực châu Phi và những trường hợp mắc mới phần lớn là trẻ em gái tuổi từ 15-19. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 đang gây ra những tác động đáng lo ngại, nhất là đối với hệ thống y tế của những quốc gia có tỷ lệ mắc HIV/AIDS cao nhất, khiến việc tiếp cận những dịch vụ liên quan đến căn bệnh này trở nên khó khăn hơn. Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS năm 2021 của LHQ được tổ chức trong 3 ngày (từ 8-10/6). |