Bằng chứng Trung Quốc bán phá giá
Theo Bộ trưởng Wilbur Ross, Bộ Thương mại Mỹ đã có nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang bán nhôm tấm tại Mỹ với giá thấp hơn giá bán hợp lý và Bắc Kinh đang trợ giá một cách không công bằng cho các nhà sản xuất nhôm tấm nước này, gây thiệt hại cho ngành công nghiệp mỹ. Năm 2016, giá trị nhập khẩu nhôm tấm Trung Quốc vào Mỹ đạt trên 600 triệu USD.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho rằng đã có nhiều bằng chứng cho thấy, Trung Quốc đang bán nhôm tấm tại Mỹ với giá thấp hơn giá bán hợp lý. (Nguồn: CNBC) |
Nếu các cuộc điều tra xác định được rằng doanh nghiệp và người dân Mỹ bị thiệt hại vì nhôm giá rẻ của Trung Quốc, Bộ Thương mại Mỹ sẽ ra quyết định áp thuế chống bán phá giá và trợ cấp đối với mặt hàng này.
Như vậy, lần đầu tiên trong vòng 25 năm trở lại đây, phía Mỹ đã đơn phương khởi xướng một cuộc điều tra chống bán phá giá nhằm vào một trong những đối tác thương mại lớn nhất của mình. Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ sẽ tự tiến hành điều tra mà không có yêu cầu từ các bên liên quan trong ngành, mà cụ thể là doanh nghiệp sản xuất nhôm Mỹ với tư cách người bị hại.
Nhắc lại quan điểm của Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết, các hình thức thương mại bất công sẽ không được tha thứ trong nhiệm kỳ của Chính quyền Trump. Hành động mới này cho thấy, Chính phủ đang thực hiện lời hứa với người dân Mỹ, cứng rắn hơn trong vấn đề thương mại với Trung Quốc. Bộ Thương mại đã làm việc với ngành công nghiệp nhôm Mỹ để điều tra vụ việc.
Tuy nhiên, Chuyên gia cao cấp Weiwen thuộc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hoá tại Bắc Kinh phân tích rằng, chủ nghĩa bảo hộ đã tăng lên đáng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền. Là một đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, Trung Quốc đã bị đổ lỗi cho sự gia tăng thâm hụt thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, thép nhập khẩu và các sản phẩm kim loại chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu, có nghĩa là các hạn chế của Mỹ có thể sẽ chẳng dẫn đến bất kỳ một kết quả tích cực nào trong việc giải quyết thâm hụt thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trên thực tế, Tổng thống Trump đang phải đối mặt với ngày càng nhiều chỉ trích từ cử tri do đã trì hoãn các hành động thương mại chống Trung Quốc mà ông từng hứa hẹn. Ông Trump cũng đã bị mất điểm nặng khi thất bại trong việc thực hiện cam kết sẽ chứng minh Trung Quốc thao túng tiền tệ.
Ra mặt tại WTO
Bình luận về động thái này, giới quan sát cho rằng, Chính quyền của Tổng thống Trump đã phát động đợt tấn công thương mại mới chống lại Trung Quốc. Cuộc điều tra chống bán phá giá nhôm và những động thái tương tự có thể sẽ châm ngòi chiến tranh thương mại với Trung Quốc như nhiều người Mỹ theo chủ nghĩa dân tộc về kinh tế mong muốn.
Còn vị chuyên gia từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson Chad Bown cho rằng, "động thái điều tra tự phát này giống một dấu hiệu hiếu chiến. Bởi Chính quyền Trump đang thể hiện mong muốn bảo hộ nhập khẩu, ngay cả khi các doanh nghiệp Mỹ chưa đòi hỏi điều đó”.
Sự gia tăng thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Trung QUốc ngày càng lớn. (Nguồn: AFP) |
Trên thực tế, những động thái mới của Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang gia tăng, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang chính thức mạnh tay với các quyết định trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. Một số biện pháp kinh tế mạnh mẽ đã được chuẩn bị. Không chỉ điều tra về việc nhập khẩu thép và nhôm từ Trung Quốc, cuộc điều tra về vấn đề đánh cắp tài sản trí tuệ, nhằm vào các quy định của Bắc Kinh buộc nhiều doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác địa phương, có khả năng sẽ bắt đầu trong một vài tháng tới.
Quốc hội Mỹ cũng đang xem xét một dự luật mới về việc thắt chặt giám sát các khoản đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Mỹ, trong đó Trung Quốc được nhắc đến như một trong những đối tượng chính bị nhắm đến.
Trên diễn đàn quốc tế, Mỹ cũng vừa chính thức lên tiếng phản đối Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường. Ngày 30/11, Tuyên bố phản đối của Mỹ được công bố như một tài liệu do bên thứ 3 đệ trình ủng hộ Liên minh châu Âu (EU), trong một cuộc tranh chấp pháp lý giữa EU với Trung Quốc.
Trung Quốc đang đấu tranh với EU để được công nhận là nền kinh tế thị trường. Nếu được công nhận có nền kinh tế thị trường, hàng hóa Trung Quốc sẽ không còn bị so sánh với giá của một nước thứ 3 có nền kinh tế thị trường, giúp giảm đáng kể mức thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa nước này. Nếu Trung Quốc thắng tại WTO, nguy cơ sẽ làm suy yếu cuộc đấu tranh chống lại làn sóng hàng giá rẻ của Trung Quốc tại nhiều quốc gia trên thế giới. Với Mỹ và EU, nó có thể đe dọa sự tồn tại của nhiều ngành công nghiệp ở phương Tây.
Đó là điều mà cả Mỹ và EU đều không mong muốn. Cả hai "ông lớn" này đang đặt câu hỏi về vai trò của Chính phủ Trung Quốc đối với nền kinh tế nước này khi không để thị trường tự quyết định giá cả, mà vẫn can thiệp quản lý thị trường trong nước và đưa ra các khoản trợ cấp.
Phát biểu trước quốc hội hồi tháng 6, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer khẳng định, đây là vụ kiện nghiêm trọng nhất tại WTO thời điểm này. Một quyết định có lợi cho Trung Quốc có thể sẽ trở thành thảm hoạ đối với WTO.
Dấu hiệu căng thẳng mới trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung. (Nguồn: Nikkei) |
Trong tài liệu dài 40 trang, Mỹ đã nêu ra những lập luận pháp lý bác bỏ lập trường của Trung Quốc cho rằng theo các điều khoản gia nhập WTO của Trung Quốc vào năm 2001, nước này sẽ tự động được các thành viên khác công nhận là nền kinh tế thị trường sau 15 năm. Mỹ và EU phản đối quan điểm này, vì cho rằng Trung Quốc không tuân thủ cam kết giảm can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế.
Giới chức Mỹ cho rằng, 16 năm gia nhập WTO, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn không thể chấm dứt được những hành động can thiệp vào thị trường. Thậm chí, mới đây Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ theo dõi về các vấn đề quốc tế David Malpass còn nhận định, tự do hóa kinh tế của Trung Quốc dường như bị chậm lại hoặc đi ngược với quy định khi sự can thiệp của Chính phủ ngày càng tăng. Các doanh nghiệp của nhà nước không phải đối mặt với những khó khăn về ngân sách, còn chính sách công nghiệp của Trung Quốc ngày càng gây trở ngại đối với các công ty nước ngoài.