📞

Mỹ không thể thắng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc… và không nên thử

Minh Anh 07:33 | 15/06/2024
Đó là bình luận của chuyên gia Qiyuan Xu, Phó giám đốc Viện Kinh tế và chính trị thế giới, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc đã kéo dài gần hai nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ và hồi kết còn khá mù mịt.
Mỹ không thể thắng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc… và không nên thử. Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Tại sao hàng Trung Quốc rẻ?

Nguyên nhân đằng sau tình trạng dư thừa hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc là do đồng Nhân dân tệ bị định giá quá thấp?

Cáo buộc về tình trạng dư thừa công suất sản xuất của Trung Quốc làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi giữa các nhà hoạch định chính sách. Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen lập luận: “Khi thị trường toàn cầu tràn ngập các sản phẩm giá rẻ giả tạo của Trung Quốc, khả năng tồn tại của các công ty Mỹ và nước ngoài khác bị đặt dấu hỏi” và tình trạng này vẫn là câu chuyện của một thập kỷ trước.

Có thể thấy, cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đã củng cố chứ không làm suy yếu khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc.

Năm 2023, Trung Quốc chiếm khoảng 14% tổng xuất khẩu toàn cầu, tăng 1,3 điểm phần trăm so với năm 2017 (trước khi xung đột thương mại giữa hai nước bắt đầu). Đáng chú ý hơn nữa, thặng dư thương mại của Trung Quốc là khoảng 823 tỷ USD vào năm 2023, gần gấp đôi so với năm 2017.

Hơn một thập kỷ trước, thặng dư thương mại của Trung Quốc phần lớn là do đồng Nhân dân tệ (CNY) bị định giá thấp. Hoàn cảnh ngày nay vẫn có phần tương tự.

Theo nghiên cứu của chuyên gia Qiyuan Xu, năm 2023, CNY đã bị định giá thấp hơn 16% so với đồng USD, góp phần khiến Trung Quốc có xuất khẩu và thặng dư thương mại cao. Lý do được đưa ra là tỷ lệ lạm phát ở Mỹ trong hai năm qua đã cao hơn Trung Quốc 10 điểm phần trăm. Vì vậy, theo tính toán ngang bằng sức mua, CNY lẽ ra phải tăng giá 10% so với đồng USD nhưng trên thực tế lại mất giá 11%.

Từ góc độ này, CNY bị định giá thấp hơn 21% so với đồng USD.

Tất nhiên, tỷ giá hối đoái ngắn hạn bị ảnh hưởng nhiều bởi chênh lệch lãi suất hơn là tỷ lệ lạm phát. Do đó, ông Qiyuan Xu đã sử dụng các phương pháp kinh tế lượng, kết hợp các yếu tố như chênh lệch lãi suất và tăng trưởng kinh tế, để ước tính tỷ giá hối đoái CNY sẽ là bao nhiêu.

Các nghiên cứu so sánh của vị chuyên gia này cho thấy, mức độ định giá thấp CNY lớn hơn nhiều so với các đồng tiền chính của ASEAN trong hai năm qua. So với đợt tăng lãi suất gần đây nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong giai đoạn 2015-2018, mức độ định giá thấp của CNY trong những năm gần đây tăng lên đáng kể.

Điều kỳ lạ là không có bằng chứng nào cho thấy chính phủ Trung Quốc đang nhắm tới việc thao túng tỷ giá hối đoái. Ngay cả Mỹ cũng đồng ý rằng, Trung Quốc không có hành động thao túng tiền tệ trong những năm gần đây.

Về mặt này, tình hình ngày nay đã rất khác so với một thập kỷ trước, vì Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cải cách hệ thống tỷ giá hối đoái trong giai đoạn can thiệp. Câu hỏi ở đây là tại sao CNY vẫn bị định giá thấp?

Nhìn vào cán cân thanh toán trong năm 2020 và 2021, dòng vốn ròng tích lũy từ đầu tư trực tiếp và đầu tư chứng khoán đã vượt quá 400 tỷ USD, trong khi vào năm 2022 và 2023, dòng vốn ròng tích lũy từ tài khoản vốn và tài chính đã vượt quá 500 tỷ USD. Thặng dư tài khoản vãng lai khổng lồ của Trung Quốc đã không khiến CNY tăng giá - như người ta có thể mong đợi - do dòng vốn chảy ra khá cao.

Điều này làm cho việc thay đổi tỷ giá hối đoái không có hiệu quả trong việc điều chỉnh cán cân thương mại.

Những dòng vốn chảy ra như vậy không thể chỉ được quy cho những thay đổi trong chênh lệch lãi suất giữa Trung Quốc và Mỹ. Trên thực tế, dòng vốn chảy ra ngoài chủ yếu là kết quả của các yếu tố phi kinh tế, bao gồm một số chính sách của chính Trung Quốc, như việc siết chặt kiểm soát một số ngành công nghiệp.

Nhận thức được điều này, chính phủ Trung Quốc đưa các chính sách phi kinh tế vào khuôn khổ tự đánh giá vào cuối năm ngoái. Quan trọng hơn, sự leo thang căng thẳng giữa hai nước gần đây đã khiến Mỹ áp dụng một loạt chính sách ngăn cản đầu tư vào Trung Quốc.

Điều này bao gồm, việc hạn chế dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào Trung Quốc và cảnh báo về những rủi ro khi nhà đầu tư quan tâm đến nền kinh tế số 2 thế giới.

Quốc hội Mỹ cũng đang xem xét luật nhằm hạn chế hơn nữa đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc.

Kết hợp cùng với nhau, những yếu tố này đã làm trầm trọng thêm dòng vốn chảy ra, khuếch đại mức độ định giá thấp CNY và làm suy yếu thêm tác động của việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái đối với cán cân thương mại.

Càng ra nhiều đòn... càng khó thắng

Chuyên gia Qiyuan Xu kết luận rằng, chừng nào quan hệ Mỹ-Trung Quốc còn tiếp tục khó khăn, Mỹ "càng ra nhiều đòn" về phía Trung Quốc, thì tỷ giá hối đoái CNY rất có thể vẫn bị định giá thấp đáng kể và những lời phàn nàn của Bộ trưởng Tài chính Yellen càng trở nên khó giải quyết hơn bao giờ hết.

Tất nhiên, các yếu tố chính trị làm bóp méo tỷ giá hối đoái cũng làm chậm sự phát triển của ngành dịch vụ Trung Quốc và do đó cản trở nỗ lực điều chỉnh cơ cấu của nước này. Tuy vậy, Mỹ sẽ không thể nhìn thấy chiến thắng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc… và không nên thử, bởi hậu quả có thể còn vượt xa những gì Mỹ đang lo ngại.

Chẳng hạn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm mới đây cáo buộc Mỹ lấy cuộc xung đột Ukraine làm cái cớ để áp dụng các biện pháp trừng phạt lên nhiều công ty Trung Quốc vì liên quan Nga.

Các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu của phương Tây nhằm kiềm chế các đối thủ của Mỹ, tận dụng sức mạnh của đồng USD để buộc những nước này phải "khuất phục". Điều này đã vô tình tạo ra một "nền kinh tế ngầm" toàn cầu gắn kết các đối thủ chính của phương Tây, với đối thủ chính của Mỹ là Trung Quốc ở trung tâm, theo bình luận của tờ Wall Street Journal.

Những hạn chế tài chính và thương mại chưa từng có đối với Nga, Iran, Venezuela, Triều Tiên, Trung Quốc và các nước khác đã siết chặt những nền kinh tế đó bằng cách hạn chế khả năng tiếp cận hàng hóa và thị trường phương Tây.

Tuy nhiên, theo các quan chức phương Tây và dữ liệu hải quan, Bắc Kinh ngày càng thành công trong việc ngăn chặn những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu bằng cách củng cố quan hệ thương mại với những quốc gia bị trừng phạt khác. Khối các quốc gia bị Mỹ và các đồng minh phương Tây trừng phạt hiện có quy mô kinh tế đủ lớn để phòng vệ trước cuộc chiến kinh tế và tài chính của Washington. Họ giao dịch mọi thứ từ máy bay không người lái và tên lửa đến vàng và dầu.

Cựu quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ Dana Stroul và hiện là thành viên cấp cao tại Viện chính sách cận Đông ở Washington D.C, bình luận rằng: “Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn của Mỹ và có khả năng định hình lại trật tự toàn cầu hiện nay”.

“Vì lợi ích của cả hai bên, Trung Quốc cần phát triển một cơ chế nhất quán để đánh giá tác động của các biện pháp phi kinh tế và Mỹ phải nới lỏng các chính sách hạn chế Bắc Kinh”, Phó giám đốc Viện Kinh tế và chính trị thế giới Qiyuan Xu đưa ra giải pháp.

(theo Japan Times)