📞

Mỹ, Nhật phản đối đơn phương thay đổi hiện trạng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông

Dương Dương 07:03 | 06/03/2021
TGVN. Các quan chức quốc phòng, ngoại giao cấp cao của Mỹ và Nhật Bản phản đối mạnh mẽ những ý đồ đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Các nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ đối với những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng bức ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. (Nguồn: Reuters)

Tuyên bố mạnh mẽ về Biển ĐôngBiển Hoa Đông nêu trên được đưa ra trong cuộc đối thoại an ninh song phương được tổ chức trực tuyến ngày 4/3, theo thông báo được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tham gia cuộc đối thoại, về phía Mỹ có Phó Trợ lý Ngoại trưởng Marc Knapper và quyền Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mary Beth Morgan.

Về phía Nhật Bản có Phó Tổng giám đốc phụ trách vấn đề Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Yutaka Arima và Phó Tổng giám đốc về Chính sách quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Taro Yamato.

“Những quan chức tham gia đối thoại đã trao đổi quan điểm về môi trường an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có tác động của đại dịch Covid-19, cũng như những vấn đề khu vực và hợp tác quốc phòng song phương”, thông báo nêu rõ.

“Cả hai bên lặp lại sự phản đối mạnh mẽ đối với những ý đồ đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như trao đổi quan điểm và chia sẻ những quan ngại sâu sắc về Luật Hải cảnh của Trung Quốc”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.

Theo thông báo, quan chức hai nước cũng “khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nâng cao các khả năng răn đe và ứng phó, đẩy mạnh liên minh Mỹ-Nhật, vốn đang vững chắc hơn bao giờ hết”.

Chính phủ Mỹ và Nhật Bản đang sắp xếp cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đến thăm xứ sở hoa anh đào vào ngày 15/3, theo Đài NHK.

Luật Hải cảnh của Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/2, cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng chống tàu nước ngoài trong cái gọi là vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này.

Trong những năm gần đây, tàu hải cảnh Trung Quốc gia tăng hiện diện ở Biển Đông, có những hành động phi pháp, quấy rối tàu của một số nước trong khu vực, trong đó có tàu của ngư dân Việt Nam.

(tổng hợp)