Những tổ chức phi lợi nhuận lớn như Quỹ Hewlett và Ford đã quyên góp hàng chục triệu USD nhằm thách thức quyền lực của những ông lớn công nghệ như Facebook và Amazon. Ủng hộ phong trào chống độc quyền còn có các cá nhân như tỷ phú George Soros và Pierre Omidyar, nhà sáng lập của eBay.
Nhiều ông lớn công nghệ đang bị tẩy chay. (Nguồn: New York Times) |
Những tổ chức này thường xuyên tài trợ cho những nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản và những mặt trái của nó. Thí dụ, Quỹ Ford hiện đang hỗ trợ cho nhiều tổ chức nghiên cứu và chống lại tình trạng bất bình đẳng trên thế giới. Trong khi đó, Quỹ Hewlett đã dành một khoản trong số tài sản 10 tỷ USD để hỗ trợ cho những tổ chức đánh giá lại những chính sách kinh tế thị trường tự do hiện đang thống trị nền kinh tế - chính trị Mỹ.
Những hỗ trợ về mặt tài chính hiện đang đạt đến một mức độ cao chưa từng có, và nhờ đó giúp các nhà hoạt động gây áp lực lên Thung lũng Silicon. Nhiều nhà hoạt động trên khắp nước Mỹ gần đây đã thông báo thành lập một liên minh với mục tiêu chống lại gã khổng lồ Amazon.
Một trong những nhóm nhận viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ là Dự án An ninh Kinh tế (Economic Security Project) dưới sự dẫn dắt của Chris Hughes – nhà đồng sáng lập Facebook hiện đang công khai ủng hộ việc chia tách gã khổng lồ Facebook. Nhóm này tập hợp các nguồn ủng hộ tài chính và phân phát lại cho những dự án tập trung vào chính sách chống độc quyền. Bản thân Chris Hughes cũng tự bỏ tiền túi đầu tư vào những dự án này.
Dự án An ninh Kinh tế dự kiến ủng hộ 10 triệu USD cho những nhà hoạt động chống độc quyền trong vòng 18 tháng tới. Tới đây, tổ chức này sẽ thông báo về kế hoạch sử dụng khoản 3 triệu USD cho những nhà hoạt động xã hội, nhà nghiên cứu thuộc các viện chính sách (think tank) tại Washington, cũng như cho một tổ chức chuyên thuê các nghệ sỹ để tạo ra các tác phẩm “phơi bày cách thức hoạt động thực sự của nền kinh tế”.
Chris Hughes – nhà đồng sáng lập Facebook ủng hộ chính sách chống độc quyền. (Nguồn: New York Times) |
Những quan chức liên bang và tại cách tiểu bang Mỹ đã thông báo về các cuộc điều tra nhắm tới Amazon, Facebook, Google và Apple.
Các nhà hoạt động chống độc quyền cũng hy vọng sẽ giải quyết vấn đề độc quyền trong nhiều ngành kinh doanh khác nhau, bao gồm cả dược phẩm và nông sản, cũng như giải quyết sự bất bình đẳng kinh tế đang tăng cao.
Một trong những tổ chức nhận được nhiều tài trợ là Viện Thị trường Mở (Open Markets Institute), nhóm nghiên cứu đã đưa được những vấn đề độc quyền kinh doanh tranh luận công khai. Theo một tài liệu nội bộ, tổ chức chuyên nghiên cứu về vấn đề độc quyền này dự kiến sẽ kiếm được hơn 3 triệu USD vào năm 2020.
Vào năm nay, tổ chức Knight (chuyên tập trung vào ngành báo chí), đã trao tặng 2 triệu USD cho Viện Thị trường Mở để nghiên cứu về tác động của vấn đề độc quyền công nghệ đối với truyền thông. Tháng 9 vừa qua, Quỹ Ford đã trao tặng 200.000 USD cho Viện này, phục vụ cho việc nghiên cứu về tác động của các ông lớn công nghệ đối với nhân công.
Theo thông tin từ Phó Giám đốc Viện Sarah Miller, một chiến dịch của tổ chức này nhằm chia tách gã khổng lồ Facebook sẽ nhắm đến Google vào năm tới.
Dự án An ninh Kinh tế hiện đang đóng góp cho chiến dịch trên, trả liền cho Viện Thị trường Mở tiến hành các cuộc trưng cầu dân ý.
Theo chia sẻ của Chris Hughes, “Quan điểm của chúng tôi là bạn cần một hệ sinh thái. Bạn cần có một cộng đồng chia sẻ những giá trị tương đồng với bạn, nhưng có thể có những cách tiếp cận khác nhau đối với cùng một vấn đề".