Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay, nước này đang ở giai đoạn quyết định trong đàm phán hạt nhân với Iran. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 16/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price phát biểu với báo chí: “Đây thực sự là giai đoạn quyết định, khi chúng tôi có thể xác định liệu việc cùng quay trở lại tuân thủ JCPOA có sắp sửa được tiến hành hay không”.
Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cảnh báo, Iran chỉ còn thời gian “tính bằng ngày” để đưa ra quyết định chính trị về việc chấp nhận thỏa thuận liên quan chương trình hạt nhân của nước này.
Phát biểu tại Thượng viện Pháp, Ngoại trưởng Le Drian nói rõ: “Iran có một lựa chọn rõ ràng, hoặc là họ gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong những ngày tới… hoặc là họ chấp nhận một thỏa thuận tôn trọng quyền lợi của tất cả các bên”.
Cũng trong ngày 16/2, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân kiêm Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani thông báo trên Twitter cho biết, "sau những tuần đàm phán tập trung, chúng tôi đang tiến gần một thỏa thuận hơn bao giờ hết".
Trước đó, theo đánh giá của Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani, Mỹ và các nước châu Âu đã không tuân thủ các nghĩa vụ trong JCPOA, do đó, xét về những tác động kinh tế với Tehran và việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này thì thỏa thuận giờ "chỉ còn là vỏ bọc rỗng".
Quan chức này khẳng định, Iran sẽ không tiến hành thêm bất kỳ một cuộc đàm phán nào ngoài khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân với "một nước Mỹ không tuân thủ cam kết và một châu Âu thụ động".
Các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran về khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015 đã được nối lại tuần trước sau 10 ngày gián đoạn, với vai trò trung gian của các quan chức ngoại giao đến từ Anh, Trung Quốc, Đức và Nga.
Giới ngoại giao phương Tây từng kỳ vọng sớm đạt được đột phá trong đàm phán, nhưng đến thời điểm này, các bên vẫn có những bất đồng sâu sắc, trong đó Iran bác bỏ bất kỳ thời hạn chót nào về đàm phán do phương Tây áp đặt.
Giới ngoại giao và phân tích phương Tây cho rằng, Iran càng đứng ngoài thỏa thuận hạt nhân lâu bao nhiêu thì nước cộng hòa Hồi giáo này càng có thêm thời gian bấy nhiêu để tận dụng phát triển năng lực chế tạo vũ khí hạt nhân, qua đó làm vô hiệu hóa mục đích ban đầu của thỏa thuận 2015.
Iran kiên quyết khẳng định chương trình hạt nhân của nước này mang mục đích hòa bình.