Mỹ không yêu cầu Ấn Độ cắt giảm mua dầu của Nga. (Nguồn: RT) |
Theo ông Nostrand, mục tiêu của các lệnh trừng phạt và mức trần giá 60 USD/thùng do Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp đặt là để đảm bảo nguồn cung dầu toàn cầu ổn định mặc dù ảnh hưởng đến doanh thu của Moscow.
Ông nhấn mạnh: “Điều quan trọng đối với chúng tôi là duy trì nguồn cung dầu trên thị trường nhưng vẫn hạn chế lợi nhuận của Tổng thống Nga Vladimir Putin”.
Bên cạnh đó, trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ về chính sách kinh tế cho rằng, khách hàng có thể mua dầu của Nga với mức chiết khấu sâu hơn ngoài cơ chế giới hạn giá, nếu họ không sử dụng các dịch vụ của phương Tây như bảo hiểm và môi giới.
Trong diễn biến khác liên quan, khi được hỏi về việc bán cho các quốc gia phương Tây các sản phẩm tinh chế được sản xuất từ dầu của Nga, bà Anna Morris, quyền Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng, điều đó sẽ không vi phạm lệnh trừng phạt.
Bà nêu rõ: "Một khi dầu của Nga được tinh chế, từ góc độ kỹ thuật, nó không còn là dầu của Nga nữa.
Nếu nó được lọc ở một quốc gia và sau đó được gửi đi, từ góc độ trừng phạt là hàng nhập khẩu từ quốc gia mua thì đó không phải là hàng nhập khẩu từ Moscow”.
* Về phía Nga, Bộ Ngoại giao nước này cho biết, "dòng chảy" dầu sang Ấn Độ tiếp tục ở mức cao và ổn định, không gặp thách thức trong giao dịch thanh toán bất chấp các lệnh trừng phạt toàn cầu.
Ngày 3/4, bà Maria Zakharova, người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: "Các hoạt động này đã diễn ra suôn sẻ, ưu tiên các giao dịch bằng tiền tệ quốc gia.
Lựa chọn chiến lược này giải phóng các bên liên quan khỏi các quy định ngân hàng do phương Tây áp đặt, bảo đảm giao thương dầu mỏ giữa Nga và Ấn Độ không bị gián đoạn".
Ấn Độ đã nổi lên là một trong những khách hàng hàng đầu mua dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga kể từ khi các quốc gia phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt và tạm dừng mua hàng để đáp trả việc Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.