Bộ Tài chính Mỹ ước tính, việc G7 áp giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga có thể giúp 17 quốc gia nhập khẩu ròng dầu mỏ lớn nhất ở châu Phi tiết kiệm 6 tỷ USD mỗi năm. (Nguồn: Getty) |
Ngày 20/1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraine đang tác động mạnh đến người dân châu Phi khi làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và gây trở ngại đối với nền kinh tế của châu lục này.
Phát biểu tại thủ đô Dakar của Senegal, bà Yellen nhấn mạnh, việc chấm dứt xung đột sẽ là điều tốt nhất cho nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ ước tính rằng, việc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga có thể giúp 17 quốc gia nhập khẩu ròng dầu mỏ lớn nhất ở châu Phi tiết kiệm 6 tỷ USD mỗi năm.
Phát biểu khi bắt đầu chuyến thăm 3 nước châu Phi, bà Yellen lưu ý, một số quốc gia có thị trường mới nổi thậm chí còn có thể tiết kiệm nhiều hơn bằng việc sử dụng giá trần này để đàm phán đòi Nga giảm giá sâu hơn và Bộ Tài chính Mỹ khuyến khích các quốc gia khác cũng làm như vậy.
Trước đó, theo AP, giới phân tích cho rằng, mức giá trần đối với dầu Nga (60 USD/thùng) không gây tác động lớn tức thì đối với Moscow cũng như thị trường năng lượng thế giới.
Chuyên gia về chính sách năng lượng Simone Tagliapietra thuộc tổ chức nghiên cứu Bruegel (Bỉ) nhận định, giá trần 60 USD “gần như sẽ không được chú ý” vì mức đó gần bằng với giá dầu bán hiện nay của Nga.
Tuy nhiên, ông Tagliapietra nói, mức giá trần có thể cản trở Điện Kremlin thu lợi nhuận, nếu giá dầu bất ngờ tăng vọt và việc áp giá trần được thực thi nghiêm ngặt.