📞

Mỹ - Pakistan: Sóng gió đã qua?

09:16 | 24/10/2013
Những chuyến biến tích cực gần đây trong quan hệ giữa Mỹ và Pakistan liệu có phải là dấu hiệu mở ra thời kì thăng hoa mới cho mối quan hệ đồng minh này khi mà trong quá khứ, giữa hai nước đã xảy ra nhiều bất đồng và trước mắt còn nhiều vấn đề khó thương lượng.
Ảnh minh họa.

Chuyến thăm của Thủ tướng Pakistan (từ ngày 20-23/10) là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Thủ tướng Pakistan tới Mỹ trong 5 năm qua và là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa ông Sharif với nhà lãnh đạo Mỹ kể từ khi ông lên nhậm chức nhiệm kỳ 3 hồi tháng 6/2013.

Khoảng lặng của mối quan hệ đồng minh

Quan hệ giữa Mỹ và Pakistan đã rơi vào khủng hoảng từ năm 2011 khi lực lượng Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden trên lãnh thổ Pakistan, cũng như vụ không kích nhầm của máy bay Mỹ làm 24 binh sĩ Pakistan thiệt mạng trong các cuộc không kích xuyên biên giới của NATO ở Afghanistan ngày 25/11/2011. Đỉnh điểm của căng thẳng là việc Pakistan quyết định phong tỏa toàn bộ các tuyến đường tiếp tế của NATO cho lực lượng quân đồn trú ở Afghanistan đi qua lãnh thổ Pakistan. Sự việc này đã khiến khoảng 300 xe tải chở hàng tiếp tế bị mắc kẹt tại biên giới Pakistan - Afghanistan.

Mối quan hệ căng thẳng chỉ tạm thời được cải thiện sau khi chính quyền Tổng thống Obama lên tiếng xin lỗi về vụ "không kích nhầm" và Pakistan quyết định mở lại các tuyến đường cung cấp hậu cần cho lực lượng NATO ở Afghanistan.

Những tín hiệu nồng ấm

Tuy nhiên gần đây, hai quốc gia này đang phát đi những tín hiệu cho thấy họ đều có thiện chí muốn khôi phục lòng tin cho mối quan hệ đồng minh.

Trong chuyến thăm bất ngờ của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Pakistan hai tháng trước, hai bên đã nhất trí thiết lập lại mối quan hệ đối tác đầy đủ. Theo ông John Kerry, đây là một bước đi thực tế nhằm "giúp hai nước có thể giải quyết được các vấn đề từ quản lý biên giới, chống khủng bố cho tới thúc đẩy lượng đầu tư của Mỹ vào Pakistan".

Ngày 20/10, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đề nghị Quốc hội xem xét nối lại khoản viện trợ an ninh trị giá hơn 300 triệu USD cho Pakistan, vốn bị ngừng từ năm 2011. Đây được coi như một động thái mở đường cho chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif.

Phát biểu trước cuộc gặp Thủ tướng Sharif ngày 20/10, Ngoại trưởng John Kerry cho biết, hai bên có nhiều vấn đề cần bàn bạc trong bối cảnh quan hệ song phương đang ở thời điểm quan trọng nhất. Ông gọi Pakistan là một "nền dân chủ đang nỗ lực để phát triển kinh tế, đối phó với phiến quân và đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định của khu vực". Trong khi đó, Thông cáo chính thức của Bộ Ngoại giao Pakistan nhấn mạnh: "Pakistan và Mỹ có mối quan tâm chung về nhiều vấn đề, trong đó có hòa bình và ổn định ở Nam Á, Trung Đông, cũng như chủ nghĩa cực đoan và khủng bố". Theo một Tuyên bố được đưa ra bởi Bộ Ngoại giao Mỹ, trong ngày tiếp xúc đầu tiên, hai nước đã đạt được một thỏa thuận về hợp tác chống khủng bố và tăng cường quan hệ thương mại-đầu tư song phương.

Tuy nhiên, những dấu hiệu tích cực trên vẫn chưa đủ để khẳng định mối quan hệ này đã vượt qua hết mọi sóng gió. Chuyến thăm lần này của ông Sharif không chỉ có những cái bắt tay hợp tác mà ông còn phải thực hiện một nhiệm vụ nặng nề và có phần bất khả thi, đó là thuyết phục Mỹ chấm dứt các hoạt động không kích vào bên trong biên giới lãnh thổ của Pakistan. Tuy nhiên, Mỹ vẫn tuyên bố tiếp tục các hoạt động không kích bằng máy bay không người lái nhằm vào lãnh thổ Pakistan với lý do là tiêu diệt các mục tiêu khủng bố. Trong khi đó, Washington luôn phàn nàn về quan hệ giữa tình báo Pakistan với các nhóm chiến binh hoạt động tại Afghanistan.

Đoàn Ngọc