📞

Mỹ phát thông điệp 'không lơ là Biển Đông'

Thu Hiền 16:59 | 10/07/2020
TGVN. Các chuyên gia cho rằng, việc triển khai các tàu sân bay hạt nhân lớn của Mỹ vào Biển Đông giúp Washington có cơ hội nêu bật điểm yếu của Trung Quốc trong lĩnh vực cạnh tranh hải quân.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tiến vào Biển Philippines, ngày 17/6. (Nguồn: US Navy)

Trước các động thái ngày càng ngang ngược của Trung Quốc nhằm áp đặt quyền kiểm soát đối với toàn bộ Biển Đông, quân đội Mỹ đã triển khai các tàu sân bay để thể hiện với các nước trong khu vực rằng Mỹ sẽ không lơ là khu vực này.

Lần đầu tiên từ nhiều năm trở lại đây, ngày 4/7, Mỹ điều động đồng thời hai tàu sân bay hạt nhân USS Ronald-Reagan và USS Nimitz đến Biển Đông. Các chiến dịch triển khai tàu sân bay gây nhiều chú ý của Mỹ được xem là một cách để bày tỏ sự quyết tâm không ngừng của Washington.

Phát biểu với Tạp chí Foreign Policy, một cựu quan chức quốc phòng Mỹ nói: “Trung Quốc đang thúc đẩy trên tất cả các mặt trận. Tôi lo sợ rằng vào một thời điểm nào đó sẽ xảy ra ‘tức nước vỡ bờ’. Tình hình sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát”.

Việc Mỹ sử dụng nhiều nhóm tác chiến tàu sân bay là một bước tiến từ việc chỉ đơn thuần triển khai các tàu nhỏ hơn để khẳng định các quyền đi lại tự do trong khu vực, và là sự chuyển hướng khỏi cách tiếp cận của Lầu Năm Góc dưới thời cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, người từng hối thúc Bộ Quốc phòng cắt giảm sử dụng nền tảng vốn có thể phô trương sức mạnh rõ rệt nhất này của quân đội Mỹ.

Việc sử dụng cặp đôi tàu sân bay trị giá nhiều tỷ USD này đáp ứng nhiều mục đích. Khi hoạt động “sánh đôi”, họ có thể bảo vệ lẫn nhau và tiến hành các chiến dịch bay trong 24 giờ, trong khi một tàu sân bay chỉ có thể vận hành một nửa thời gian đó.

Việc triển khai các tàu sân bay hạt nhân lớn của Mỹ vào Biển Đông giúp Washington có cơ hội nêu bật điểm yếu của Trung Quốc trong lĩnh vực cạnh tranh hải quân, nơi Mỹ có ưu thế vượt trội hơn hẳn hải quân Trung Quốc dù nước này đang phát triển và cải thiện công nghệ nhanh chóng.

Bryan Clark - chuyên gia cấp cao tại Viện Hudson, người từng phục vụ tại trụ sở Hải quân Mỹ - nói: “Mỹ có thể tiến hành các chiến dịch quy mô lớn sử dụng nhiều tàu sân bay, như một sự thể hiện rõ ràng với Trung Quốc rằng các tàu sân bay của họ không thể sánh ngang hàng với Mỹ”.

Tuy nhiên, ông Clark cho biết việc sử dụng các tàu sân bay ở Thái Bình Dương cũng cho thấy sự thay đổi điển hình trong cách Lầu Năm Góc tiến hành các chiến dịch. Trước mối đe dọa từ các tên lửa được phóng từ mặt đất và tàu ngầm của Trung Quốc, các tàu sân bay có khả năng lớn hơn được sử dụng để kiểm soát vùng biển nơi họ có thể hoạt động bên ngoài tầm bắn mở rộng của Trung Quốc.

Một thực tế làm phức tạp các vấn đề hơn nữa là Mỹ vẫn chưa thống nhất với Trung Quốc về các hoạt động quân sự nào bị coi là vượt quá giới hạn trên Biển Đông. Một số tổ chức đã kêu gọi Mỹ thiết lập một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc ở Biển Đông, điều giúp cho Lầu Năm Góc có nhiều lựa chọn để đối phó với hành vi khiêu khích của Trung Quốc.

Mặc dù vậy, nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc Vương Nghị ngày 9/7 nói rằng quan hệ Trung-Mỹ vẫn có thể quay trở lại đúng hướng, dù đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi quan hệ ngoại giao được thiết lập vào năm 1979.

Dẫn lời Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc nói trong một bài phát biểu được đăng trên trang web của bộ này, Reuters cho biết, ông Vương Nghị hy vọng Mỹ sẽ xây dựng một sự hiểu biết khách quan hơn về Trung Quốc và xây dựng một chính sách Trung Quốc hợp lý hơn.

(Theo Foreign Policy, TNKH)