📞

Mỹ quyết định 'bơm' tiền 'giải cứu' các nhà máy điện hạt nhân

Bảo Minh 07:25 | 04/03/2023
Mới đây, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Washington dự kiến chi 1,2 tỷ USD nhằm gia hạn vận hành các nhà máy điện hạt nhân đã hoặc sắp hết thời gian hoạt động.
Một trong hai lò phản ứng hiện đã đóng cửa của nhà máy điện hạt nhân San Onofre ở phía Nam San Clemente, California, Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Khoản kinh phí trên được trích từ Chương trình Tín dụng hạt nhân dân sự trị giá 6 tỷ USD - chương trình dựa trên Đạo luật cơ sở hạ tầng năm 2021. Khoản tiền này sẽ do Bộ Năng lượng (DOE) phụ trách phân bổ.

Trong đợt tài trợ thứ hai của chương trình, khoản kinh phí trên sẽ được dành để hỗ trợ các nhà máy có nguy cơ đóng cửa trong vòng một vài năm tới, đồng thời lần đầu tiên cấp cho các nhà máy đã dừng hoạt động sau ngày 15/11/2021.

Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm nhấn mạnh, việc mở rộng phạm vi hỗ trợ sẽ trao cơ hội cho thêm nhiều cơ sở hạt nhân có thể tiếp tục vận hành và đóng vai trò như những động lực kinh tế tại các cộng đồng địa phương được hưởng lợi từ nguồn năng lượng rẻ, sạch và bền vững.

Giới phân tích nhận định, động thái trên nhiều khả năng sẽ mở đường cho nhà máy Palisades tại bang Michigan có thể hoạt động trở lại sau khi đóng cửa hồi tháng 5/2022 do Entergy Corp, chủ sở hữu của nhà máy này tại thời điểm đó, phát hiện sự cố rò rỉ tại hệ thống làm mát.

Nhóm cố vấn về khí hậu của Tổng thống Biden cho rằng, năng lượng hạt nhân là một nguồn phát điện quan trọng không thải carbon và cần được duy trì cũng như phát triển để Mỹ có thể đạt được cam kết chuyển đổi sang 100% điện sạch vào năm 2035.

Tuy nhiên, chi phí để vận hành các nhà máy điện hạt nhân lớn hơn nhiều so với hạ tầng sản xuất năng lượng gió, năng lượng Mặt trời và các loại hình năng lượng tái tạo khác. Do vậy, hơn 10 lò phản ứng của Mỹ đã phải đóng cửa kể từ năm 2013 và hiện trên cả nước còn 92 lò phản ứng đang hoạt động.

(theo Reuters)