📞

Mỹ ra tay với uranium của Moscow, Ukraine 'cổ vũ' tiến tới tấn công đầu não năng lượng hạt nhân Nga

Minh Anh 18:52 | 03/05/2024
Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko coi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với uranium đã làm giàu từ Moscow là một nước đi quan trọng hướng tới các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn với “ông lớn” của ngành năng lượng Nga - Rosatom.
Quan chức Ukraine đồng loạt lên tiếng ủng hộ Mỹ mạnh tay hơn nữa với Nga sau lệnh trừng phạt uranium. (Nguồn: Smallcaps)

Bộ trưởng Galushchenko tin rằng, quyết định của Mỹ cấm nhập khẩu uranium đã làm giàu (được sử dụng làm nhiên liệu trong các lò phản ứng hạt nhân) của Nga sẽ là một bước tiến, tổng tấn công vào Tập đoàn năng lượng nguyên tử Rosatom, thuộc sở hữu của Nhà nước Nga.

Rosatom - là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp hạt nhân, niềm tự hào của Nga về năng lượng hạt nhân. Với những lợi thế riêng, năm 2023, bất chấp các áp lực từ bên ngoài, Rosatom vẫn tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu toàn cầu, lập các kỷ lục mới về tổng doanh thu, doanh thu từ nước ngoài và về các sản phẩm mới.

“Tôi tin tưởng rằng, quyết định cấm nhập khẩu uranium sẽ là khởi đầu cho việc Mỹ tiếp tục từ chối hợp tác với Moscow, trong các giao dịch liên quan sản phẩm công nghệ văn minh, mà số tiền thu về sẽ là nguồn tài trợ cho Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine”, ông Galushchenko đăng trên mạng xã hội Facebook.

Nhìn xa hơn nữa, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine cho rằng, quyết định này sẽ đẩy nhanh sự phát triển của ngành công nghiệp uranium của Mỹ. Và đây là một bước đi có tính quyết định khác, hướng tới các biện pháp trừng phạt chống lại Rosatom – đối tượng vốn thực sự đang tài trợ cho chiến dịch quân sự của Nga chống lại Ukraine.

Ông Galushchenko đồng thời nhấn mạnh rằng, “Đây là một tín hiệu mạnh mẽ gửi tới toàn thế giới văn minh rằng hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong ngành công nghiệp hạt nhân và uranium với Moscow đang đặt toàn bộ thế giới vào mối đe dọa hạt nhân là điều không thể”.

Trước đó, ngày 30/4, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua luật cấm nhập khẩu uranium đã làm giàu từ Nga, đồng thời chuyển kết quả này tới Tổng thống Joe Biden để ký ban hành. Nhà Trắng cho biết, họ ủng hộ các nỗ lực ngăn chặn việc vận chuyển nhiên liệu lò phản ứng hạt nhân của Điện Kremlin.

Các bộ trưởng năng lượng của Nhóm G7 cũng đã đồng ý giảm sự phụ thuộc vào “hàng hóa dân sự liên quan đến hạt nhân” từ Nga, trong khi các quốc gia công nghiệp hóa lớn đang nỗ lực thiết lập lại kế hoạch năng lượng của họ bằng cách cô lập Moscow.

Trước đó, ngày 1/5, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cũng đã lên tiếng kêu gọi các nước khác từ chối nhập khẩu uranium của Nga.

Trong một bài đăng trên Telegram, ông Shmyhal vui mừng thông báo việc Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua dự luật cấm nhập khẩu uranium đã làm giàu từ Nga. Lệnh cấm trên sẽ được thực hiện 90 ngày sau khi luật được ban hành, đồng thời cho phép miễn trừ tạm thời cho đến tháng 1/2028.

“Tôi cảm ơn các thượng nghị sĩ vì quyết định quan trọng của họ. Trong chuyến thăm của phái đoàn chính phủ tới Washington, chúng tôi đã nêu chủ đề này với các quan chức và nghị sĩ Mỹ”, Thủ tướng Ukraine tiết lộ.

Ông Shmyhal nhấn mạnh rằng, Ukraine đã tìm cách loại bỏ uranium của Nga và “chúng tôi kêu gọi các nước khác cũng làm như vậy. Chúng tôi phải nỗ lực tước bỏ phương tiện tài trợ chiến dịch quân sự của đối thủ".

Hiện Nga đang cung cấp gần 1/4 lượng uranium đã làm giàu dùng để làm nhiên liệu cho hơn 90 lò phản ứng thương mại của Mỹ, khiến nước này trở thành quốc gia quan trọng hàng đầu đối với các lò phản ứng hạt nhân của Washington. Theo tính toán, vai trò nhà cung cấp số 1 về uranium này đang mang lại khoảng 1 tỷ USD mỗi năm cho Nga. Do vậy, việc thay thế nguồn cung đó đối với Mỹ có thể là một thách thức và có nguy cơ làm tăng chi phí làm giàu uranium lên khoảng 20%. Lệnh cấm nguồn cung uranium từ Nga từng làm dấy lên lo ngại giá tăng mạnh ở Mỹ.

Nhà Trắng đã kêu gọi "lệnh cấm dài hạn" đối với hàng nhập khẩu của Nga. Nhưng để làm được điều đó, Mỹ cần khoảng 2,7 tỷ USD ngay vào đầu năm nay, nhằm vực dậy ngành công nghiệp uranium trong nước và tùy thuộc vào những giới hạn đối với nhập khẩu uranium của Moscow. Được biết, lệnh cấm sẽ được bãi bỏ trong trường hợp có lo ngại về nguồn cung nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân của Mỹ.

Một số người cảnh báo về những rủi ro của việc tiếp tục phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hạt nhân Nga. “Chúng ta đã thấy Tổng thống Putin vũ khí hóa sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt tự nhiên của Nga như thế nào. Không có lý do gì để tin Nga sẽ không làm điều tương tự với nguồn cung cấp nhiên liệu hạt nhân của chúng ta”, Chủ tịch Ủy ban Thương mại và năng lượng Hạ viện Cathy Rodgers cảnh báo.

Mới đây, sau quyết định của Thượng viện, Nhà Trắng đã ra công bố: “Đây là ưu tiên an ninh quốc gia vì sự phụ thuộc vào nguồn uranium của Nga sẽ tạo ra rủi ro cho nền kinh tế Mỹ và ngành công nghiệp hạt nhân dân sự vốn đang bị căng thẳng hơn nữa do cuộc xung đột của Nga ở Ukraine”.

Về vấn đề này, trở lại hồi đầu năm 2024, phát biểu tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên tiếng chỉ trích phương Tây vì không trừng phạt ngành năng lượng hạt nhân Nga giống như với mặt hàng dầu, khí đốt, than đá. Ông Zelensky nói rõ rằng, ngành công nghiệp hạt nhân của Nga không bị áp đặt các lệnh trừng phạt toàn cầu báo hiệu "một điểm yếu rõ ràng" của phương Tây.

Giới quan sát bình luận, diễn biến này là do vai trò quan trọng của tập đoàn năng lượng Nga Rosatom trong ngành công nghiệp hạt nhân toàn cầu. Nga - một cường quốc về năng lượng, là một trong số ít quốc gia có khả năng cung cấp uranium đã làm giàu.

Trên thực tế, bất chấp xung đột Nga-Ukraine, Mỹ vẫn tiếp tục chi hàng tỷ USD để nhập khẩu uranium đã làm giàu từ Nga. Thậm chí, Mỹ đã tăng gấp đôi nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân từ Rosatom trong nửa đầu năm 2023. Trong khi đó, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đã nhập khẩu nhiều nhiên liệu hạt nhân từ Nga hơn trong cả năm 2023 và 2022 so với trước khi chiến dịch quân sự bắt đầu, theo Reuters.

Nikkei từng đánh giá, vị thế của Nga trong thị trường nguyên liệu cho điện hạt nhân có thể tạo ra một thách thức lớn cho các nước phương Tây dù họ đang cố gắng thoát sự phụ thuộc vào năng lượng của Moscow.

Nga hiện sở hữu khoảng 50% cơ sở hạ tầng làm giàu uranium của thế giới. Việc chuyển đổi uranium khai thác từ các mỏ nguyên liệu trở thành uranium làm giàu cho các lò phản ứng hạt nhân thường mất 3-5 năm và việc thay thế nguồn cung không phải là dễ dàng. Do đó, việc thay thế vị trí dẫn đầu của Moscow trong thời gian ngắn là bất khả thi.

(theo Ukrinform, Reuters)