📞

Mỹ 'sờ gáy' doanh nghiệp Ấn Độ liên quan đến LNG 2 Bắc Cực; Nga 'gặp khó' vì lệnh trừng phạt

Việt An 07:38 | 06/09/2024
Ngày 5/9, Bộ Tài chính Mỹ thông báo đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với hai công ty Ấn Độ và hai tàu biển liên quan đến dự án khí tự nhiên hóa lỏng Arctic LNG 2 (LNG 2 Bắc Cực) của Nga.
Mỹ trừng phạt công ty Ấn Độ liên quan dự án LNG 2 Bắc Cực của Nga. (Nguồn: TASS)

Hai công ty bị nhắm mục tiêu là Gotik Shipping Co. và Plio Energy Cargo Shipping OPC Private Limited, đều có trụ sở tại Ấn Độ.

Lệnh trừng phạt cũng ảnh hưởng đến hai tàu mang cờ Palau là New Energy và Mulan, do liên hệ với các công ty trên.

Trước đó, hồi tháng 11/2023, Mỹ áp đặt một lệnh trừng phạt mới lên LNG 2 Bắc Cực của Nga, dự án khí đốt có quy mô lớn thứ 3 của quốc gia này.

Lệnh trừng phạt được đưa ra nhằm hạn chế hoạt động sản xuất năng lượng trong tương lai của Moscow.

* Theo Financial Times, Nga đang bắt đầu phải lưu trữ lượng khí đốt từ dự án Bắc Cực vốn được nước này đặt kỳ vọng lớn. Đây là một dấu hiệu cho thấy, các lệnh trừng phạt của phương Tây đang ngăn cản người mua tiếp cận.

Financial Times trích dẫn dữ liệu theo dõi tàu và hình ảnh vệ tinh, 3 tàu vận đã chuyển LNG từ dự án LNG 2 Bắc Cực, vốn đang chịu lệnh trừng phạt, kể từ khi bắt đầu đưa hàng lên vào tháng trước.

Một trong số đó, tàu Everest Energy, có thể đã dỡ hàng tại Saam FSU, một khu lưu trữ nổi tại một vịnh thuộc vùng Murmansk, miền Bắc nước Nga.

Kể từ đó, tàu này đã quay trở lại hướng LNG 2 Bắc Cực.

Hình ảnh radar xuyên mây do vệ tinh Sentinel-1 của Cơ quan vũ trụ châu Âu chụp cho thấy, một con tàu lớn có kích thước tương đương Everest Energy đang chuẩn bị dừng lại cạnh khu vực Saam FSU.

Trong khi đó, 2 chuyến hàng còn lại vẫn còn ở vùng biển của Nga hoặc châu Âu, vẫn chưa được giao cho người mua.

Theo các nhà phân tích tại Kpler, việc tàu này dỡ hàng cho thấy “những thách thức mà Nga phải đối mặt trong việc tìm người mua LNG đủ điều kiện”.

LNG 2 Bắc Cực được coi là dự án mang tính biểu tượng của Điện Kremlin. Tổng sản lượng theo kế hoạch của dự án này dự kiến chiếm 1/5 mục tiêu sản xuất LNG hàng năm của Nga là 100 triệu tấn vào năm 2030, tương đương hơn 3 lần khối lượng mà nước này xuất khẩu hiện nay.

Novatek sở hữu 60% cổ phần trong dự án, TotalEnergies và 2 doanh nghiệp Trung Quốc, gồm Tập đoàn Dầu khí quốc gia (CNPC) và Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia (CNOOC), mỗi bên nắm giữ 10%.

10% còn lại thuộc về Công ty thương mại Nhật Bản Mitsui & Co và Tổ chức An ninh kim loại và năng lượng Nhật Bản (JOGMEC) thuộc sở hữu nhà nước.

(theo Sputnik News, Financial Times)