Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIAID) cho biết, vaccine GLS-5700 được thử nghiệm trên ít nhất 80 tình nguyện viên khỏe mạnh, có độ tuổi 18 – 35, tại 3 địa điểm gồm Trung tâm Y tế NIH tại Bethesda thuộc bang Maryland, Đại học Maryland ở Baltimore và Đại học Emory ở Atlanta.
Các nhà khoa học Mỹ thử nghiệm vaccine phòng chống virus Zika. (Nguồn: Indian Express) |
Giai đoạn đầu của nghiên cứu này sẽ tập trung đánh giá về độ an toàn của vaccine và khả năng tạo miễn dịch chống lại virus Zika. Dự kiến các kết quả đầu tiên sẽ được công bố vào tháng 1/2017. Sau đó, các chuyên gia y tế sẽ tiến hành giai đoạn 2 của cuộc thử nghiệm tại các nước bị virus Zika hoành hành.
Trao đổi với báo giới, Giám đốc NIAID Anthony Fauci cho biết, việc thử nghiệm vaccine GLS-5700 trên động vật đã cho những kết quả tích cực, mở ra hy vọng về kết quả tương tự khi thử nghiệm trên người. Ông cũng thừa nhận, mặc dù sẽ mất một thời gian trước khi vaccine ngừa virus Zika được bán rộng rãi trên thị trường, song nhấn mạnh nghiên cứu trên là “một bước tiến quan trọng”.
Vaccine GLS-5700 là một loại vaccine ADN, tương tự như loại vaccine ngừa virus sông Nile được NIAID phát triển trước đó. Đây là kỹ thuật được sử dụng để bảo vệ sinh vật chống lại bệnh bằng cách tiêm trực tiếp ADN của nguồn lây bệnh vào cơ thể sinh vật để tạo ra đáp ứng miễn dịch. Loại vaccine này không chứa các thành phần truyền nhiễm, do đó không thể khiến sinh vật bị nhiễm virus Zika.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Lầu Năm Góc thông báo 33 nhân viên của quân đội Mỹ, trong đó có một thai phụ, có thể đã nhiễm virus Zika bên ngoài lãnh thổ Mỹ, song chưa xác minh được nơi họ bị nhiễm.
Vào ngày 28/6 vừa qua, các nhà khoa học Mỹ công bố đã thử nghiệm thành công vaccine phòng chống virus Zika trên động vật trong phòng thí nghiệm, mở ra hi vọng sớm sản xuất vaccine dành cho người nhằm ngăn ngừa loại virus đang lây lan nhanh chóng này. Giám đốc Trung tâm Siêu vi khuẩn học và Nghiên cứu vaccine thuộc Trường Y Harvard (Mỹ), ông Dan Barouch cho biết, 2 mẫu vaccine được thử nghiệm trên chuột trong phòng thí nghiệm đã giúp “ngăn chặn hoàn toàn” virus Zika. Điều đáng chú ý là 2 mẫu vaccine này được thử nghiệm với một liều duy nhất. Theo ông, kết quả lạc quan này cho thấy có thể phát triển thành công loại vaccine hiệu quả và an toàn chống lại virus Zika dành cho người. |
Trước đó một ngày, Bộ Y tế bang Florida của Mỹ cũng xác nhận thêm một trường hợp lây nhiễm virus Zika không liên quan tới những người đi du lịch nước ngoài, nâng tổng số ca nhiễm Zika tại bang này lên con số 15. Thông tin trên đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát virus Zika trong nước bởi đây là một trong những trường hợp đầu tiên cho thấy muỗi mang virus Zika xuất hiện trong lãnh thổ Mỹ.
Virus Zika lây lan sang người chủ yếu khi bị muỗi Aedes aegypti đốt và cũng có thể lây lan qua đường tình dục. Thống kê cho thấy hơn 1.600 trường hợp nhiễm virus này đã được ghi nhận tại Mỹ và hầu hết là bị nhiễm khi đi du lịch nước ngoài. Người nhiễm virus Zika có những triệu chứng nhẹ hơn bị sốt xuất huyết hoặc bệnh sốt phát ban do muỗi truyền bệnh - phổ biến nhất khi bị nhiễm là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban. Nhưng khi phụ nữ mang thai bị nhiễm virus Zika có thể sinh ra con mang dị tật đầu nhỏ - một khiếm khuyết đặc trưng của não nhỏ bất thường và kém phát triển, hoặc các vấn đề sức khỏe khác.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca nhiễm Zika. Riêng tại Brazil, kể từ khi bệnh dịch bùng phát hồi tháng 4/2015 đến nay, đã có hơn 1,5 triệu trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện.