📞

Mỹ: Trần nợ sẽ gây khó khăn cho Tổng thống Trump

08:02 | 26/03/2017
Việc tăng hạn mức cho vay của chính phủ liên bang Mỹ sẽ không gây nhiều rắc rối lần này. Tuy nhiên, những cuộc chiến trần nợ tiếp theo đang đến gần.

Trần nợ công là giới hạn quy định bởi Quốc hội về số tiền mà Chính phủ liên bang có thể vay nợ. Giới hạn này được áp dụng đối với các khoản nợ công bất kỳ, bao gồm cả những người nắm giữ trái phiếu Mỹ và các quỹ tín thác của Chính phủ liên bang. Việc nâng trần nợ công thực chất chỉ là giải pháp nhất thời vì nó đồng nghĩa với giãn nợ, nợ càng tăng nhiều hơn. Tuy không dẫn đến khủng hoảng nhưng cũng đủ gây nên những tác động và hậu quả lớn.

Trụ sở Quốc hội Mỹ. (Nguồn: AP)

Tính đến ngày 16/3 năm nay, Bộ Tài chính Mỹ đã đạt đến giới hạn cho vay hợp pháp. Sự đình chỉ gần đây nhất của trần nợ đã hết hạn. Trong vòng chưa đầy 2 tháng nhiệm kỳ, việc giải quyết giới hạn nợ là bài kiểm tra đầu tiên thể hiện năng lực của Tổng thống Donald Trump trong việc đạt được một thỏa thuận tài chính với Quốc hội, vốn do đảng Cộng hòa quản lý. Tuy nhiên, không giống như năm 2011 và 2013, sau bất đồng chính trị căng thẳng giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa dẫn đến những lo ngại về vỡ nợ, việc đạt được thỏa thuận trần nợ ngày nay sẽ dễ dàng hơn - ít nhất là cho đến bây giờ.

Dấu hiệu ban đầu từ chính quyền Trump cho thấy họ không muốn chơi với lửa trên trần nợ. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nhấn mạnh trong buổi điều trần và trong một lá thư gần đây cho Quốc hội rằng, nợ công  Mỹ là một "cam kết quan trọng" và kêu gọi các nhà lập pháp "tăng trần nợ ngay khi có thể."

Mick Mulvaney, Giám đốc Cơ quan Quản lý và Ngân sách, có quan điểm khác nhưng dường như đã bớt máy móc hơn kể từ khi tham gia vào chính quyền Trump. Mặc dù được coi là một người có quan điểm gay gắt về tài chính và không bao giờ bỏ phiếu để tăng trần nợ tại Quốc hội, lần này, ông Mulvaney khẳng định sẽ không đề nghị Tổng thống Trump "thương lượng hay cai trị bằng khủng hoảng".

Ông Mick Mulvaney được xem là một nhà quản lý tài chính có quan điểm "diều hâu". (Nguồn: Matzav)

Ngoài ra, mặc dù các đảng viên Cộng hòa không từ bỏ chủ nghĩa bảo thủ tài khóa, họ sẽ miễn cưỡng thúc đẩy một cuộc biểu quyết trong năm đầu tiên nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Trong khi những đảng viên Cộng hòa trước đây thường chỉ đồng ý tăng trần nợ để đổi lại việc cắt giảm chi tiêu, lần này họ cho rằng không cần phải như vậy. Nhiều người tin tưởng chính sách kinh tế của ông Trump sẽ dẫn tới tăng trưởng kinh tế 3-4%, và coi đây là cơ hội tốt nhất để cân bằng ngân sách và kiểm soát lộ trình nợ.

Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, các “biện pháp phi thường” mà Bộ trưởng Tài chính có thể thực hiện, như tạm ngưng thanh toán cho quỹ hưu trí liên bang, sẽ "câu" đủ thời gian cho các nhà hoạch định chính sách đồng ý tăng trần nợ trước mùa Thu.

Nhưng điều đó không có nghĩa là vấn đề đã được giải quyết. Cuộc chiến trần nợ sẽ quay trở lại. Cho đến thời điểm đó, kỳ vọng tăng trưởng không thực tế của Trump, cùng với kế hoạch cắt giảm thuế, phát triển cơ sở hạ tầng và chi tiêu quốc phòng sẽ thực sự làm phình bong bóng thâm hụt và nợ nần. Trong trường hợp đó, những nhà tài chính ở đảng Cộng hòa sẽ không đứng im. Tại Hội nghị của Khối Bảo thủ Cộng hòa tại Hạ viện, gồm khoảng 30-40 đại diện, có đủ quyền biểu quyết để từ bác bỏ việc nâng giới hạn nợ.

Cuộc chiến nội bộ này có thể buộc Tổng thống Trump phải cắt giảm một số sáng kiến chi tiêu của mình. Trong khi ông vẫn khẳng định không muốn giảm bảo hiểm xã hội và Medicare, ông Trump có thể phải cải cách lại trong tương lai để ngăn chặn xung đột nội bộ. Nếu không giải quyết  được hai nguồn chi tiêu chính phủ lớn nhất, sự bế tắc trong vấn đề trần nợ sẽ xảy ra, với những hậu quả liên lụy đến Mỹ và các nền kinh tế toàn cầu.

(theo Real Clear World)