📞

Mỹ - Trung: Có “bằng mặt”, chưa “bằng lòng”

10:58 | 22/03/2019
Chiến tranh thương mại chỉ là một sự khởi đầu trong cuộc đua cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.

​Vào cuối tuần tới, dự kiến Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sẽ tới Bắc Kinh một lần nữa để gặp Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, nối lại cuộc đàm phán thương mại cấp cao với mục đích đạt được một thỏa thuận cuối cùng nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chỉ là điểm dừng tạm thời

Một số nguồn tin cho biết, các cuộc đàm phán dường như đang ở giai đoạn cuối và có khả năng đạt được một thỏa thuận cuối cùng vào cuối tháng 4 này. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn khá “vất vả” để thống nhất được các điều khoản và cách thức thực thi thỏa thuận, cũng như tiến độ để hai bên dỡ bỏ thuế nhập khẩu đánh vào hàng hóa của nhau trong năm qua. Mỹ đã áp thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Trung Quốc cũng đã đáp trả với mức thuế lên tới 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Sự đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng trở nên rõ ràng. (Nguồn: CNN)

Có vẻ tin vào một cái kết tốt đẹp, mới đây, tờ SCMP đưa ra một số lý do khiến Bắc Kinh sẽ “xuống thang”. Tuy nhiên, trên thực tế, với những lý do cơ bản ấy, bất cứ thỏa thuận nào cũng sẽ chỉ là điểm dừng tạm thời, mang tính “bằng mặt”, khó thực thi và vượt ra ngoài chuẩn mực của hệ thống thương mại quốc tế. 

Theo phân tích của SCMP, thâm hụt thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ về bản chất là do cấu trúc kinh tế. Trung Quốc có lợi thế về chi phí lao động, lại có vai trò tự nhiên như công xưởng của toàn cầu. Còn người Mỹ nắm trong tay đồng USD có tư cách là công cụ thanh toán quốc tế, luôn kích thích họ mua hàng từ các nơi khác và đặc biệt là hàng giá rẻ từ Trung Quốc. 

Trong khi đó, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ không dễ gì thay thế trong ngày một, ngày hai và dường như Bắc Kinh chưa có hứng thú thay đổi quá nhanh mô hình kinh tế của mình. Hơn nữa, nền kinh tế thứ hai thế giới đang tăng trưởng chậm lại, lao động và nguồn cung dư thừa đang trở thành vấn đề lớn, trong bối cảnh đó, Bắc Kinh trước hết phải bảo đảm ổn định thị trường xuất khẩu. 

Về căn nguyên, tranh chấp thương mại Mỹ - Trung không chỉ đơn thuần là về thặng dư hay thâm hụt thương mại mà là vấn đề là ai sẽ thống lĩnh các công nghệ tương lai như 5G, trí tuệ nhân tạo và robot. Nếu Kế hoạch Made in China 2025 thành công Trung Quốc có thể chiếm vị trí thống trị của Mỹ trong công nghệ và kinh tế số. 

Trên đây là những lý do để Bắc Kinh có thể nhẫn nhịn “chờ thời”, chấp nhận hạ thấp một số rào cản thương mại, mua thêm hàng hóa Mỹ và kể cả đồng ý hạn chế xuất khẩu sang Mỹ. Nhưng tất cả đều không giúp cải tổ nền kinh tế Trung Quốc và cũng không mang lại sự ổn định trong quan hệ với Mỹ về lâu dài. 

Cuộc chiến mới bắt đầu

Nhiều người từng tin tưởng, những tiến triển của cuộc đàm phán có thể kéo Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, để chốt những điều khoản cuối cùng vào cuối tháng 3. Nhưng giờ thì người ta lại đồn đoán, cuộc gặp sẽ được lui xuống tháng 4, thậm chí hoãn tới tháng 6. Và tình huống này dường như không hoàn toàn là không thể.

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung vốn được xem là cuộc đàm phán mang tính tổng hợp, bao trùm nhiều lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, tiền tệ, công nghệ… Hiện hai bên vẫn bất đồng lớn trong một số vấn đề mang tính cốt lõi, trong khi Washington luôn duy trì sức ép muốn Bắc Kinh phải đưa ra nhiều nhượng bộ lớn hơn.

Nhiều người từng tin tưởng, những tiến triển của cuộc đàm phán có thể kéo Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, để chốt những điều khoản cuối cùng vào cuối tháng 3. (Nguồn: Getty)

Lấy mốc là cuối tháng 4, nhưng đến nay, bản thỏa thuận vẫn không thể được hoàn thiện ở ba vấn đề chủ yếu đều xuất phát từ yêu cầu từ phía Mỹ về Bản quyền sở hữu trí tuệ, chấm dứt việc bắt buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc; ưu đãi đối với các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc; và việc xây dựng được cơ chế thực thi để đảm bảo Trung Quốc thực hiện đúng như cam kết.

Tuy nhiên, trên thực tế, không chỉ giới chuyên gia mới thấy hai siêu cường kinh tế đã tham gia vào một cuộc chiến mới - Cuộc chiến công nghệ. Từ lâu, Trung Quốc đã cấm cửa Google, Facebook, còn bây giờ Mỹ đang tìm cách ngăn cản sự bành trướng trên quy mô quốc tế của Huawei. Mối quan ngại này xuất phát từ một loạt các tranh chấp gần đây với các cáo buộc về gián điệp mạng, khiếu nại về hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ… 

Biểu hiện rõ nhất là vụ Huawei, khi Mỹ ban hành lệnh cấm mua sắm các công nghệ do Huawei và ZTE của Trung Quốc sản xuất. Tất nhiên, Mỹ cũng không quên thực hiện một chiến dịch toàn cầu ngăn cản “nhà vô địch” của Trung Quốc tiếp cận thị trường phương Tây. Tuy nhiên, đến nay, bên cạnh một số nước ra mặt ủng hộ Mỹ, thì vẫn có các nước đang đứng ở “ngã ba đường” với bài toán khó, nên cấm cửa Huawei hay không?.

Có ý kiến cho rằng, sự phụ thuộc của phương Tây vào Trung Quốc sẽ tạo ra các lỗ hổng giúp Bắc Kinh tận dụng các chính sách của Mỹ và đồng minh. Nếu phương Tây phụ thuộc vào các thiết bị viễn thông của Trung Quốc, họ sẽ có nguy cơ bị đâm sau lưng.

Lưỡng cực tái xuất?

Giới phân tích hiện đang đề cập đến một hiện tượng chia rẽ về địa chính trị, giống như thời Chiến tranh Lạnh, khi các quốc gia phải lựa chọn đứng về phía Mỹ hay phía Nga. Đến nay, căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang đòi hỏi các quốc gia phải thể hiện rõ quan điểm ủng hộ Bắc Kinh hay Washington? Đó cũng là lý do để người ta nói rằng, toàn cầu hóa có thể bị đe bởi sự “tái xuất” của một thế giới lưỡng cực mới. 

Sự đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng trở nên rõ ràng, khi chính quyền Mỹ chủ động kết thúc kỷ nguyên mà ở đó hai nước xem thương mại và đầu tư là lĩnh vực trung lập, tách rời khỏi cạnh tranh chiến lược.

Trong khi đó, tham vọng từ kế hoạch Vành đai và Con đường (BRI) khiến Washington lo ngại, Trung Quốc đang bước vào giai đoạn tiến lên vị trí siêu cường. Nếu BRI thành công, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc không chỉ dừng ở phạm vi châu Á, mà còn tràn tới Mỹ Latinh và Tây Âu – vốn được coi là những khu vực ảnh hưởng của Mỹ.

Giờ đây, việc Trung Quốc sẵn sàng gây áp lực trực tiếp lên đồng minh lâu năm của Mỹ là minh chứng cho một sự tự tin ngày càng tăng của nước này.