Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng phản đối quyết định của Washington. (Nguồn: Fortune) |
Theo quyết định trừng phạt do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 7/3, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 8/3, việc trừng phạt được áp dụng cho bất cứ công ty nào muốn làm ăn với ZTE.
Theo đó, ZTE sẽ không còn được các nhà sản xuất Mỹ cung ứng linh kiện. Ngoài ra, các biện pháp hạn chế đòi hỏi tất cả các nhà cung cấp nước ngoài của tập đoàn ZTE phải xin giấy phép của Bộ Thương mại Mỹ, trước khi xuất khẩu bất cứ thiết bị hay linh kiện nào được sản xuất tại Mỹ cho tập đoàn này. Quyết định này sẽ khiến tập đoàn ZTE gặp khó khăn hơn khi mua các sản phẩm của Mỹ, vì rất nhiều khả năng Bộ Thương mại Mỹ sẽ bác các đơn xin giấy phép.
Trên thực tế, kể từ khi Mỹ áp đặt lệnh cấm vận xuất khẩu đối với Iran, ZTE đã bị cáo buộc qua mặt luật pháp khi vẫn xuất khẩu cho Iran các sản phẩm từ Mỹ dưới danh nghĩa là từ ZTE. Do nghi vấn này, Bộ Thương mại Mỹ đã tiến hành điều tra và làm rõ việc ZTE có mua các sản phẩm của Mỹ thông qua các công ty bình phong rồi chuyển chúng đến Iran hay không.
Kết quả là ZTE đã ký hợp đồng để xuất khẩu phần cứng và phần mềm trị giá hàng triệu USD cho Công ty dịch vụ viễn thông lớn nhất Iran TCI, cũng như một công ty con của công ty này. Về cơ bản, ZTE đã bán mọi thứ từ các nhà sản xuất như Microsoft, Dell, Oracle và IBM cho viễn thông Iran trong khi các công ty này không hề hay biết gì về điều đó.
Ngay sau lệnh trừng phạt được thông báo, các giao dịch mua bán cổ phiếu của ZTE tại thị trường chứng khoán Hong Kong và Thâm Quyến đã bị tạm dừng. Giới quan sát cho rằng, điều này sẽ không chỉ làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của ZTE, mà còn lan tới các công ty sản xuất điện thoại khác của Trung Quốc đang muốn mở rộng thị trường tại Mỹ.
ZTE là hãng cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ tư tại thị trường Mỹ, chiếm 7% thị phần, chỉ sau Apple, Samsung và LG Electronics. Công ty này chuyên bán các thiết bị di động cầm tay cho ba trong số bốn tập đoàn viễn thông lớn nhất nước Mỹ là AT&T, T-Mobile và Sprint Corp.
ZTE hiện đang cung cấp thiết bị và dịch vụ cho các khách hàng ở hơn 160 quốc gia trên thế giới. Các công ty xuất khẩu thiết bị hàng đầu của Mỹ cho tập đoàn ZTE bao gồm các công ty sản xuất chip Qualcomm, Broadcom và Intel.
ZTE là tập đoàn thiết bị viễn thông lớn thứ hai của Trung Quốc. (Nguồn: Smartfonenews) |
Phản ứng về động thái trên của Mỹ, ngay lập tức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ sự giận dữ và kiên quyết phản đối. Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: “Chúng tôi phản đối việc Mỹ viện dẫn các luật trong nước để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với doanh nghiệp Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng Mỹ dừng hành động sai trái này và tránh làm tổn hại quan hệ song phương và hợp tác thương mại Trung - Mỹ”.