TIN LIÊN QUAN | |
Các nước ASEAN cần xây dựng cơ chế hợp tác về an ninh mạng | |
Australia – Mỹ hội đàm về chống khủng bố và hiệp định TPP |
Cơ chế đối thoại này là kênh thông tin chính nhằm giải quyết các vấn đề về an ninh mạng, một trong những yếu tố quan trọng trong quan hệ Mỹ - Trung.
Cam kết hợp tác an ninh mạng
Tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch, Bộ trưởng An ninh nội địa Jeh Johnson và Bộ trưởng Công an Trung Quốc Quách Thành Côn (Guo Shengkun) đã nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa nhằm giải quyết các vấn đề về an ninh mạng.
Giới chức Mỹ đã nhấn mạnh những lợi ích chung của hai nước trong cuộc chiến chống tội phạm mạng và bảo vệ an ninh mạng. Washington coi trọng cơ chế đối thoại cấp cao là nền tảng cốt lõi để thúc đẩy sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau. Phía Mỹ đồng thời kêu gọi hai bên tiếp tục và phát triển cơ chế đối thoại hiện nay để cùng đối phó với thách thức về an ninh mạng, trong đó có hoạt động của các đối tượng khủng bố trên mạng và lừa đảo qua mạng.
Từ trái sang phải: Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson, Bộ trưởng Công an Trung Quốc Quách Thành Côn và Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch tại thủ đô Washington, ngày 7/12. (Nguồn: Xinhua) |
Trong khi đó, Bộ trưởng Quách Thành Côn nhấn mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước đảm bảo an ninh mạng đang tiến triển và đạt nhiều kết quả tích cực trong ngăn chặn tội phạm mạng cũng như các lĩnh vực liên quan. Đánh giá sự hợp tác song phương trong vấn đề an ninh mạng là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, ông Quách Thành Côn cho rằng hai bên cần coi cơ chế đối thoại là kênh thông tin chính nhằm giải quyết các vấn đề về an ninh mạng, tích cực hỗ trợ lẫn nhau đồng thời giải quyết những bất đồng còn tồn tại trên tinh thần xây dựng.
Giới chức hai nước cũng nhất trí tiến hành đối thoại cấp bộ trưởng lần thứ 4 về vấn đề an ninh mạng tại Trung Quốc vào năm 2017.
Lợi ích chung
Là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, có vị thế quan trọng trên trường quốc tế, quan hệ giữa Mỹ và Trung được đánh giá là không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước, mà cả hai còn có thể góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Hiện Mỹ và Trung Quốc đều là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nên rất nhiều công việc quốc tế lớn cần có sự tham gia tích cực của cả hai nước. Các điểm nóng hiện nay như Syria, Iraq, Libya, Triều Tiên, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông hay biển Hoa Đông, khủng hoảng ở Ukraine… có sự ảnh hưởng rất lớn từ quyết định của Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã trải qua không ít thăng trầm, có lúc tưởng chừng đứng trước ngã rẽ trở thành đối thủ nhiều hơn là đối tác cạnh tranh. Giữa hai nước thường xuyên tồn tại những bất đồng về vấn đề an ninh mạng (với những cáo buộc trực tiếp nhằm vào nhau); về vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ; Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với một số mặt hàng đến từ Trung Quốc; tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông; hay những căng thẳng liên quan đến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và chiến lược xoay trục sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ khiến Trung Quốc quan ngại.
Có thể thấy rõ, tất cả những điều này này tuy là vấn đề song phương giữa hai nước song phạm vi ảnh hưởng của nó đã lan ra toàn cầu. Các tranh chấp trên biển hay những cuộc tấn công mạng - dù cho lực lượng nào làm và nhằm vào nước nào - thì cũng sẽ làm đảo lộn toàn bộ chiến lược của Mỹ và Trung Quốc, kéo theo những thay đổi đáng kể trong định hướng chiến lược của các nước khác.
Mặc dù còn nhiều bất đồng, song các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc vẫn xác định được tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nên trong hơn một năm trở lại đây, quan chức hai nước liên tục tiến hành các chuyến thăm và các cuộc gặp song phương hay bên lề nhằm cải thiện quan hệ giữa hai bên.
Trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 9/2015, bên cạnh những thỏa thuận kinh tế và biến đổi khí hậu, hai nước đã cam kết hợp tác trong vấn đề an ninh mạng - một trong những chủ đề gây tranh cãi kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh. Theo đó, Washington và Bắc Kinh nhất trí chấm dứt các hoạt động tấn công mạng liên quan mục đích thương mại và cùng đấu tranh chống các loại tội phạm mạng, bao gồm cả tội phạm đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Đây được coi là kết quả tích cực của chuyến thăm này, thể hiện sự nghiêm túc và thẳng thắn của hai bên trong việc xây dựng quan hệ “nước lớn kiểu mới”.
Các nhà phân tích cho rằng, những cam kết hợp tác về an ninh mạng giữa Mỹ và Trung Quốc là minh chứng cho sự gác lại bất đồng để cùng hợp tác giải quyết các thách thức cũng như thúc đẩy hòa bình và ổn định trên thế giới.
G20 tìm giải pháp cho an ninh mạng toàn cầu Những yếu kém trong việc quản lý các hoạt động trên Internet đã kìm hãm sự đóng góp của nó đối với tăng trưởng toàn ... |
Mỹ - Trung đàm phán cấp cao về an ninh mạng Hôm 1/12, tại Washington, các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu phiên đàm phán đầu tiên về an ninh ... |
Việt Nam đăng cai Hội nghị về an ninh mạng lớn nhất châu Á "Hội nghị quốc tế về phòng chống mã độc toàn cầu - Avar 2015" sẽ diễn ra từ ngày 2-4/12 tại Đà Nẵng. Đây là ... |