📞

Mỹ úp mở biện pháp mới hỗ trợ Ukraine, xác nhận Kiev đã dùng thứ này tấn công Crimea; liệu có một lời đề nghị với Nga?

Bảo Minh 15:23 | 09/07/2024
Ngày 8/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ có “các biện pháp mới” để tăng cường năng lực phòng không của Ukraine.
Mỹ xác nhận Ukraine sử dụng lửa tầm xa ATACMS để tấn công ở Crimea. (Nguồn: Quân đội Mỹ)

Hãng tin AFP dẫn một tuyên bố của ông Biden nhấn mạnh, Mỹ và các đồng minh sẽ công bố khoản hỗ trợ mới này tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ở Washington D.C, từ 9-11/7.

Trong khi đó, Điều phối viên truyền thông chiến lược của Nhà Trắng John Kirby xác nhận, các cuộc tấn công vào bán đảo Crimea đều sử dụng tên lửa chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất.

Ông Kirby nói: “Ukraine đã sử dụng thành công tên lửa tấn công tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp ở Crimea, phá hủy các hệ thống phòng không, sở chỉ huy và sân bay”.

Theo quan chức Nhà Trắng, Mỹ sẽ không bãi bỏ các hạn chế đối với quân đội Ukraine khi sử dụng tên lửa của cường quốc này tấn công sâu vào lãnh thổ Nga: “Vài tuần trước, Tổng thống đã ra chỉ thị, Kiev có thể sử dụng vũ khí được cung cấp để tấn công các mục tiêu dọc biên giới. Điều này vẫn như vậy”.

Cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ có “các bước quan trọng mới” nhằm tăng cường hợp tác với Kiev trong lĩnh vực quân sự, song ông Kirby không trả lời câu hỏi của phóng viên về những tuyên bố cụ thể nào sẽ được đưa ra.

Mặc dù vậy, điều phối viên trên ám chỉ rằng, các quyết định sẽ liên quan phòng không Ukraine, “khả năng răn đe”, trước tiên là từ NATO, cũng như tái tổ chức tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Trước đó, các cuộc tấn công của Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) sử dụng tên lửa ATACMS mang đầu đạn chùm đã rơi xuống bãi biển ở Sevastopol thuộc bán đảo Crimea ngày 23/6 khiến 153 người bị thương và 4 người thiệt mạng, trong đó có trẻ em.

Ngày 8/7, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, 3 bệ phóng tên lửa HIMARS liên quan cuộc tấn công này đã bị phá hủy ở tỉnh Kherson có thể cùng với hàng chục chuyên gia phương Tây.

Cũng liên quan xung đột Nga-Ukraine, trên kênh YouTube LCI, cựu Đại sứ Pháp tại Mỹ Gerard Harault dự báo, Washington sẽ đề nghị với Moscow một thỏa thuận sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới, bất luận ai trở thành ông chủ mới của Nhà Trắng.

Nhà ngoại giao Pháp lưu ý rằng, người Mỹ là những người theo chủ nghĩa hiện thực và họ nhận ra rằng, việc lấy lại các vùng lãnh thổ cho Kiev là không thể.

Ông Harault bình luận: “Tôi có thể sai, nhưng tôi tin rằng, bất luận kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 ra sao, chúng ta sẽ đạt được thỏa thuận với Nga”, đồng thời nhấn mạnh rằng, chính Washington sẽ đưa ra sáng kiến như vậy và châu Âu sẽ chấp nhận một giải pháp hòa bình theo các điều khoản được đề xuất.