Liên minh châu Âu (EU) khẳng định sẽ bỏ ra 500 triệu Euro để đẩy nhanh tiến độ sản xuất vũ khí giúp Ukraine, trong khi Mỹ quyết định sẽ gửi tới Kiev bom, đạn chùm - một phần trong gói viện trợ mới trị giá 800 triệu USD. (Nguồn: Shutterstock) |
Các đại diện của Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu (EP) đã đạt được một thỏa thuận tạm thời- dự kiến sẽ có hiệu lực trước cuối tháng này.
Theo đó, các công ty vũ khí châu Âu sẽ nhận thêm trợ cấp để tăng năng lực sản xuất và giải quyết một số khâu đình trệ.
Đây cũng là một phần trong nỗ lực lớn của EU nhằm cung cấp thêm đạn dược và vũ khí cho Ukraine, bao gồm đạn pháo 155 mm Kiev đang mong muốn có được trong bối cảnh cuộc xung đột với Nga đang ngày càng tiêu hao.
Cùng ngày, theo một số nguồn tin, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định cung cấp hàng nghìn quả bom chùm cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự mới trị giá lên đến 800 triệu USD.
Nguồn tin trên cho biết, Washington sẽ thực hiện điều này, bất chấp những lo ngại rằng loại vũ khí này gây ra nhiều tranh cãi do có thể gây thương vong cho dân thường.
Các quan chức Mỹ khẳng định, khoản viện trợ quân sự này cho Ukraine sẽ được thông báo trong ngày 7/7 (theo giờ địa phương).
Dự kiến các vũ khí này sẽ được lấy từ các kho dự trữ của Lầu Năm Góc, trong đo có xe bọc thép Bradley và Stryker cùng một loạt đạn dược, như đạn dùng cho lựu pháo và Hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể đoán trước phản ứng của các đồng minh Washington việc cung cấp bom chùm cho Ukraine. Hơn 2/3 trong số 30 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ký kết Công ước 2010 về bom, đạn chùm.
Ngoài ra, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở ở Mỹ hôm 7/7 đã cảnh báo Washington không chuyển bom, đạn chùm cho Ukraine vì rủi ro nghiêm trọng mà loại vũ khí này gây ra đối với dân thường.
Trong một diễn biến khác, sau chuyến thăm đầu tiên tới Bulgaria ngày 6/7 của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Bulgaria Nikolay Denkov tiết lộ, Kiev đã bắt đầu các cuộc thảo luận để mua 2 lò phản ứng hạt nhân của nước này, nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện trong tương lai.
Thủ tướng Denkov cho hay: “Chúng tôi đã bắt đầu đàm phán nghiêm túc về việc sử dụng các lò phản ứng từ nhà máy điện hạt nhân Belene của Bulgaria - cho một trong những nhà máy ở Ukraine. Đây mới chỉ là bước khởi đầu của các cuộc đàm phán, vì nhiều thông số kỹ thuật, tài chính và kinh tế cần được thảo luận”.
Bulgaria đã mua hai lò phản ứng này từ Nga hơn 5 năm trước và dùng cho dự án nhà máy điện hạt nhân Belene, hiện đã bị bỏ dở do Moscow không còn tham gia lắp đặt các lò phản ứng và quốc gia Đông Âu này không thể tự thanh toán hóa đơn.
Hiện phần lớn các nghị sĩ Bulgaria đã đồng ý cho chính phủ 30 ngày để đàm phán việc bán cho Kiev các lò phản ứng hạt nhân trên với giá 600 triệu Euro.
Đây cũng là số tiền Công ty Điện lực Quốc gia thuộc sở hữu nhà nước của Bulgaria đã trả cho Công ty Atomstroyexport của Nga để mua hai lò phản ứng, máy tạo hơi nước và phần còn lại của thiết bị.