Mỹ cáo buộc Nga sử dụng nhà máy điện Zaporizhzhia của Ukraine như một 'lá chắn hạt nhân' trong xung đột. (Nguồn: AFP) |
Phát biểu với phóng viên sau Hội nghị đánh giá lại NPT tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York ngày 1/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Nga sử dụng Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của Ukraine, như một "lá chắn hạt nhân" trong các cuộc xung đột.
Ông Blinken cho biết, Washington quan ngại sâu sắc về việc Moscow hiện sử dụng nhà máy như một căn cứ quân sự và triển khai hoạt động từ xung quanh cơ sở này.
"Dĩ nhiên, phía Ukraine không thể phản công do lo ngại một sự cố tồi tệ sẽ xảy ra liên quan tới nhà máy hạt nhân", Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị này, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Nikolay Tochitsky đề nghị, cần có các hành động chung mạnh mẽ nhằm ngăn chặn thảm họa hạt nhân, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế "đóng bầu trời" phía trên các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine bằng các hệ thống phòng không.
Ông Tochitsky cho biết, Kiev đang yêu cầu đóng không phận trên các nhà máy điện hạt nhân, bao gồm việc cung cấp cho chính quyền các hệ thống phòng không.
Trong một diễn biến liên quan, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh LB Nga Dmitry Medvedev tỏ ý nghi ngờ đề xuất của Mỹ về việc đàm phán thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới nhằm thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START, hay còn gọi là START 3) sẽ hết hiệu lực vào năm 2026.
Đăng trên trang Telegram ngày 2/8, ông Medvedev nêu rõ: "Chúng ta nói chung có cần nó hay không? Thế giới đã trở nên khác biệt".
Theo đại diện Nga, tình hình hiện nay tồi tệ hơn nhiều so với thời kỳ Chiến tranh lạnh, mà trách nhiệm cho bối cảnh này không thuộc về Moscow.
Trước đó, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga cho rằng, Mỹ nên đánh giá sự cần thiết phải có cuộc đối thoại về vũ khí chiến lược một cách thực sự.