Câu chuyện kiện tụng giữa Mỹ - EU về trợ giá cho các tập đoàn chế tạo máy bay Boeing và Airbus qua minh họa của Kal, The Economist (Anh). |
Nghịch lý đúng là không để đâu cho hết trong câu chuyện này. Xưa nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa hề tôn trọng hay đánh giá cao Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thậm chí còn coi thoả thuận giữa các quốc gia trên thế giới về thành lập WTO là "thỏa thuận tồi tệ nhất từ trước tới nay". Những biện pháp chính sách bảo hộ thương mại và những cuộc xung khắc thương mại mà ông Trump phát động nhằm vào các đối tác thương mại và kinh tế của Mỹ đều trái ngược với tôn chỉ mục đích tồn tại và nguyên tắc, tiêu chí hoạt động của WTO. Ông Trump còn không chỉ có một lần doạ sẽ rút nước Mỹ ra khỏi WTO.
Vậy mà giờ, WTO lại có quyết định xử cho Mỹ thắng trong một vụ kiện tụng giữa Mỹ và EU. Đành rằng vụ việc này đã dai dẳng từ 15 năm nay và vụ kiện tụng không phải do ông Trump khởi xướng, hay nói theo cách khác, ông Trump đã thu hoạch mà không phải cấy trồng.
Lửa được đổ thêm dầu!
Nghịch lý ở đây còn là những cuộc xung khắc thương mại của ông Trump với đối tác và việc sử dụng thuế quan trừng phạt của ông Trump khiến WTO rất khó xử, gặp rất nhiều khó khăn, bị sa sút vai trò và ảnh hưởng. Vậy mà giờ WTO lại cho phép Mỹ áp dụng những biện pháp trừng phạt EU ở mức độ giá trị 7,5 tỷ USD hàng năm. Đối với ông Trump, mức độ giá trị kia không hẳn nhỏ, nhưng vẫn còn nhỏ bé so với mức độ thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ với EU mà ông Trump viện dẫn làm lý do để phát động cuộc xung khắc thương mại giữa Mỹ và EU, lại không thể so sánh được với việc ông Trump coi phán xử này của WTO là sự xác nhận tính đúng đắn của đường lối chính sách thương mại của mình.
Ông Trump sẽ coi đấy là sự khích lệ tiếp tục duy trì cuộc xung khắc thương mại với EU và gia tăng mức độ xung khắc. Quyết định này của WTO chẳng khác gì giúp ông Trump trong cơn buồn ngủ bất ngờ có được chiếu manh. Trong chừng mực ấy, phán quyết này của WTO sẽ làm cho cuộc xung khắc thương mại giữa Mỹ và EU chẳng khác gì như lửa được đổ thêm dầu và toàn bộ mối quan hệ giữa Mỹ và EU thêm phức tạp và trắc trở bội phần.
Trên thực tế, WTO không thể có phán quyết nào khác trong vụ kiện tụng này. Mỹ cáo buộc EU bù trợ trong suốt thời gian dài cho tập đoàn chế tạo máy bay Airbus khiến cho các hãng chế tạo máy bay của Mỹ bị thiệt hại bởi cuộc cạnh tranh không công bằng, minh bạch và lành mạnh. EU không thể phủ nhận sự bù trợ cho hãng Airbus bởi nếu không có sự bù trợ to lớn và quyết định của EU thì hãng Airbus không thể tồn tại được đến ngày nay và trở thành kỳ phùng địch thủ của các hãng chế tạo máy bay ở Mỹ, đặc biệt là hãng Boeing.
Cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa hãng Boeing và hãng Airbus trong thực chất rất có lợi cho ngành công nghiệp hàng không trên thế giới và cho tất cả các nước trên thế giới bởi nó thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế tạo máy bay trên thế giới và đưa lại cho các nước nhiều sự lựa chọn hơn trước trong việc mua sắm máy bay, giảm sự lệ thuộc vào độc quyền của một vài hãng duy nhất.
Bi kịch của WTO trong riêng chuyện này là bị giằng xé giữa tuân thủ nguyên tắc là đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh với sứ mệnh góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở mọi nơi trên thế giới thông qua tăng cường cạnh tranh. Chính phán quyết này của WTO bộc lộ việc cải tổ WTO trở nên càng thêm quan trọng và cấp thiết đến mức nào.
Vừa bất chấp, vừa lợi dụng
Ông Trump đã bất chấp WTO khi áp thuế quan bảo hộ thương mại với nhiều dòng sản phẩm của EU. Bây giờ, ông Trump có thể làm những việc như thế một cách hợp pháp. EU không chịu chấp nhận thua trận này nên đã tuyên bố sẽ trả đũa thích đáng. EU cũng đã kiện Mỹ bù trợ cho hãng Boeing và WTO sẽ phải đưa ra phán xử dứt điểm cuối cùng trong năm tới. Tháng 11 này, ông Trump sẽ quyết định có áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với ô tô từ EU hay không. Đàm phán thương mại giữa Mỹ và EU trong thực chất chưa vẫn chưa được tiến hành. Tất cả những điều ấy báo hiệu không có tốt lành gì trong thời gian tới đối với mối quan hệ giữa Mỹ và EU mà cả thế giới bên ngoài không thể tránh khỏi bị vạ lây.
Ông Trump chắc chắn không vì phán xử này của WTO mà thay đổi quan điểm lâu nay đối với WTO nhưng muộn nhất đến lúc này thì ông Trump cũng đã phải đi tới được nhận thức là WTO không phải chỉ hoàn toàn gây hại và bất lợi đối với Mỹ mà trong chừng mực nhất định và trường hợp nhất định lại rất có lợi cho Mỹ về cả kinh tế và thương mại lẫn chính trị. Người này có chăng thì chỉ chuyển từ bất chấp và coi thường WTO sang vừa lợi dụng như có thể được vừa bất chấp như có thể được.