Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã chính thức tuyên bố các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Moscow và trục xuất 10 nhân viên ngoại giao của Nga. (Nguồn: Reuters) |
| Tin thế giới 15/4: Ẩn ý của Mỹ ở Biển Đen; Ukraine 'ấm ức' tố cáo bị Nga công khai đe dọa 'chiến tranh và hủy diệt'; Mỹ 'chọc giận' Trung Quốc |
Theo Nhà Trắng, động thái trên nhằm trả đũa cho những hành động mà Washington cho là sự can thiệp của Điện Kremlin vào bầu cử Mỹ, tấn công mạng quy mô lớn và hoạt động thù địch khác.
Nhà Trắng khẳng định, sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Joe Biden "gửi đi một tín hiệu cho thấy Mỹ sẽ buộc Nga phải trả giá về chiến lược và kinh tế nếu quốc gia này tiếp tục hoặc leo thang hành động quốc tế mang tính phá hoại".
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết, việc nước này mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow sẽ có thể tác động mạnh và trên diện rộng đối với nền kinh tế Nga, nhưng được thiết kế để lạn chế sự lan rộng của những tác động đối với thị trường tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên quan chức này cho rằng, việc đó sẽ còn phụ thuộc vào cách Moscow phản ứng.
Cùng ngày, phản ứng lại lệnh trừng phạt của Mỹ, nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố, động thái này đi ngược lại lợi ích của cả hai nước.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, việc Moscow trả đũa các biện pháp trừng phạt của Mỹ là "điều chắc chắn xảy ra".
Bộ trên cũng đã triệu Đại sứ Mỹ tại Moscow tới để bày tỏ phản đối về động thái của Washington, đồng thời thông báo rằng, lệnh trừng phạt mới áp đặt từ Mỹ đã thổi bùng nghiêm trọng trong quan hệ song phương và Nga sẽ sớm đưa ra các phản ứng đáp trả.
Bộ Ngoại giao Nga cũng nói với Đại sứ quán Mỹ rằng, việc cảnh báo Moscow ngừng leo thang hơn nữa là hoàn toàn không đúng đắn.
Liên quan các phản ứng quốc tế sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ được công bố, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho hay, Kiev hoan nghênh động thái của Washington như là một biện pháp để buộc Điện Kremlin phải chịu trách nhiệm cho việc sáp nhập bán đảo Crimea và các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại đó.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng ra tuyên bố cho hay, các nước đồng minh trong liên minh quân sự này đã ủng hộ quyết định của Mỹ và sẽ đoàn kết với Washington.
Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ lập trường ủng hộ Mỹ trước những cuộc tấn công mạng mà Washington phải hứng chịu, trong đó có SolarWinds - vụ tấn công quy mô lớn được cho là do Nga thực hiện.
Trong một động thái liên quan, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cùng ngày khẳng định, London có chung những mối quan ngại với Mỹ về "hoạt động nguy hiểm" mà các cơ quan tình báo Nga thực hiện đối với Anh và các đồng minh trên không gian mạng.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Raab nêu rõ: "Chúng tôi thấy được những gì mà Nga đang làm hòng xói mòn các nền dân chủ của chúng ta. Anh sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh để thách thức hành vi nguy hiểm của Nga ở những lĩnh vực mà chúng tôi thấy được".