Thương hiệu Halotel do Viettel đầu tư tại Tanzania, tháng 10/2015. (Nguồn: Alexrabrah) |
Theo hợp đồng liên doanh, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) sẽ góp 49% vốn, đối tác địa phương của Viettel là tổ hợp 11 công ty Myanmar, dẫn đầu là nhà cung cấp dịch vụ internet Yatanarpon Teleport (YTP).
Viettel là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia đợt đấu thầu năm 2013, nhưng đã không được lựa chọn do giá bỏ thầu của các đối thủ quá cao khiến Viettel không cạnh tranh được. Tuy nhiên, Viettel vẫn theo đuổi mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Myanmar, khi thông qua nghị quyết dự án đầu tư vào thị trường này, đồng thời lập công ty Viettel Myanmar để tìm kiếm cơ hội tại đây.
Telenor của Na Uy và Ooredoo của Qatar là hai công ty nước ngoài đầu tiên được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ điện thoại di động ở Myanmar. Sau hai công ty đầu tiên, nhà mạng quốc doanh là Myanmar Posts & Telecommunications (MPT) hợp tác với công ty Nhật KDDI và Tập đoàn Sumitomo - được cấp giấy phép thứ 3. Với giấy phép thứ 4 vừa cấp cho Viettel và tổ hợp của YTP, người ta trông đợi sự cạnh tranh sẽ gia tăng trên thị trường điện thoại di động của quốc gia Phật giáo này.
Theo thông tin từ Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Myanmar, nước này chính thức mở cửa thị trường di động không dây vào giữa năm 2014, chấm dứt thời kỳ độc quyền của MPT. Từ đó đến nay, cước di động tại quốc gia này đã giảm hơn một nửa. Nếu như cuối năm 2012, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động ở Myanmar mới chỉ là 9% (tương đương với 5,4 triệu người trong tổng số 60 triệu dân) sở hữu thuê bao di động, thì nay tỷ lệ này đã lên tới gần 50%.
Trên thị trường viễn thông Myanmar, hiện MPT đang chiếm thị phần lớn nhất với 18 triệu thuê bao, Telenor có 12 triệu thuê bao, còn Ooredoo khoảng 5,8 triệu thuê bao.
Ngoài Viettel, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), hồi tháng 9/2014 cũng khai trương văn phòng đại diện tại thành phố Yangon (Myanmar), với mục tiêu tạo bước đệm để thâm nhập vào thị trường này.