📞

Myanmar: Những nỗi buồn đằng sau cánh cửa hội nhập

05:00 | 19/10/2016
Nhìn từ nông trại của anh Myint Win, ngoại ô thành phố Yangon về phía Bắc, có thể thấy bên cạnh cánh đồng lúa và những túp lều tre là nhiều khu công nghiệp mới đang được xây dựng và phát triển.

Không biết ngày mai

Những tòa nhà cao đang dần mọc lên tại Đặc khu kinh tế (SEZ) Thilawa (rộng 6.200 ha) - một dự án công nghiệp liên doanh giữa chính phủ Myanmar và Nhật Bản cùng một số tập đoàn tư nhân. Nhiều nhà máy cũng đã và đang được xây dựng, sản xuất mọi mặt hàng phục vụ cuộc sống từ đồ chơi trẻ em cho tới quần áo, vật tư y tế đến hàng điện tử.

Một công nhân Myanmar làm việc tại Đặc khu kinh tế Thilawa. (Nguồn: Reuters)

Đối với quốc gia đang phát triển như Myanmar, mô hình đặc khu kinh tế như trên là một cách để thu hút đầu tư nước ngoài và tạo việc làm. Tháng tới, một SEZ khác rộng 2.000 ha với tổng số vốn khoảng 1,5 tỷ USD cũng bắt đầu khởi công, và khu trang trại của anh Myint Win cũng nằm trong diện quy hoạch của dự án.

Gia đình bốn thế hệ của Myint Win và hàng trăm gia đình khác sẽ được tái định cư tới khu vực cách đó 25 km về phía Đông Nam thành phố Yangon. Mặc dù mọi việc đều đã được lên kế hoạch trong một vài tuần tới, tuy nhiên, người nông dân 53 tuổi này nói rằng ông vẫn chưa được thông báo cụ thể về cuộc sống sau khi di dời. Các nhà vận động cho chiến dịch đảm bảo quyền đất đai ở Myanmar cho biết, người dân địa phương thường không được tiếp cận với các quy hoạch dự án cũng như những giải pháp cho sinh kế và cơ hội tiếp cận các dịch vụ sinh hoạt khi họ định cư ở một khu vực khác. Trong khi đó, các nhà đầu tư luôn tuyên truyền rằng người dân được bồi thường thỏa đáng, được cung cấp nhà ở đảm bảo và có cơ hội việc làm trong những khu công nghiệp mới.

Myanmar có 3 SEZ, trong đó đặc khu Thilawa được đảng cầm quyền Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) hỗ trợ. Thilawa cũng là đặc khu được xây dựng và đi vào hoạt động đầu tiên. Trong 2 SEZ nhỏ hơn còn lại, một đặc khu đã hoàn thiện được 90% với 12 nhà máy đã đi vào hoạt động từ tháng 8, và 25 nhà máy cũng sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới. Đầu tư nước ngoài vào đặc khu Thilawa chiếm 12,5% tổng đầu tư vào Myanmar trong năm tài khóa 2014-2015 và chiếm 3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Myanmar. Đặc khu này cũng đã thu hút đầu tư từ hơn 13 nước bao gồm Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, UAE, Panama, Malaysia và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng từ năm 2013, chính quyền gặp nhiều khó khăn trong việc di dời 70 hộ gia đình tới Myan Yar Thar, khu dân cư cách đó 4km. Nhiều người dân phàn nàn họ không nhận đủ số tiền bồi thường đất đai. Thêm nữa, vấn đề thiếu nước sạch cho người dân xung quanh SEZ cũng là một vấn đề nan giải.

Giàu hơn sẽ hạnh phúc?

Mặc dù nhận được nhiều đơn khiếu nại nhưng ông Daw Sanda, thành viên ban quản lý của đặc khu Thilawa cho rằng những khiếu nại này không có cơ sở và khẳng định những khoản tiền bồi thường đến tay người dân trong giai đoạn đầu đã đủ cho họ xây dựng nhà mới tốt hơn. Nhiều giếng sâu cũng đã được đào để cung cấp nước cho cư dân cũng như các hoạt động sản xuất.

Myanmar được xem là miền đất hứa của nhiều nhà đầu tư. (Nguồn: Reuters)

Ông Takashi Yanai, giám đốc điều hành của công ty phát triển dự án Nhật Bản tại Myanmar, cũng nhấn mạnh rằng công ty của ông tin tưởng và yêu cầu chính quyền Myanmar triển khai các hoạt động tái định cư cho người dân một cách minh bạch, đảm bảo đủ quyền lợi cho người dân. Đồng thời, ông khẳng định sẵn sàng lắng nghe những phản ánh từ người dân và sẽ cùng thảo luận với chính quyền Myanmar để đưa ra những giải pháp hợp lý cho từng vấn đề.

Tuy nhiên, những nhà vận động cho quyền sử dụng đất vẫn hoài nghi rằng nếu đặc khu Thilawa tiếp tục phát triển giai đoạn hai theo hướng quy hoạch dân cư hiện tại thì sẽ “bật đèn xanh” cho những đầu tư có hại và thiếu trách nhiệm xã hội.

Aye Khaing Win, một thợ cơ khí 30 tuổi và là người đã được tái định cư tới Myan Yar Thar trong năm 2013, chia sẻ rằng trước khi di dời, dân làng anh rất nghèo khó nhưng họ có thể sống vui vẻ và hạnh phúc. "Mặc dù trước kia tôi sống trong một căn nhà tre nhỏ, thắp sáng bằng nến nhưng gia đình tôi không có bất kỳ lo lắng nào nhưng bây giờ, hàng ngày gia đinh tôi đều có những áp lực và tôi không thể tìm thấy hạnh phúc ở đây”.

Dự kiến có khoảng hơn 4.000 người nằm trong kế hoạch di dời để đảm bảo giai đoạn phát triển thứ hai của đặc khu Thilawa. Ông U Mya Hlaing, một nông dân Myanmar nằm trong 4.000 người đó, hy vọng được biết chi tiết những kế hoạch tái định cư trên tất cả các khía cạnh y tế, giáo dục, an sinh. Ông nhấn mạnh nếu các nhà đầu tư không cung cấp bản kế hoạch chi tiết, ông và rất nhiều người dân khác sẽ không giao đất đai cho dự án.

Đặc khu Thilawa được coi là một mô hình kinh tế thành công ở Myanmar với hứa hẹn tổng đầu tư sẽ lên tới 1 tỷ USD vào năm 2018, tạo ra 40.000 việc làm và đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của nước này lên tới 350 triệu USD. Tuy nhiên, nếu không giải quyết ổn thỏa những vấn đề liên quan tới con người thì sự phát triển này cũng trở nên rất mong manh.

(theo Reuters)