Nhân dịp kỷ niệm dấu mốc 20 năm, ông Kavi Chongkittavorn, chuyên gia tại Học viện an ninh và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Chulalongkorn,Thái Lan đã có cuộc phỏng vấn với Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Myanmar U Kyaw Tin về một loạt các vấn đề liên quan đến vai trò của Myanmar trong ASEAN, cũng như các vấn đề lớn trong Hiệp hội.
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Myanmar U Kyaw Tin trả lời phỏng vấn. (Nguồn: Myanmar Times) |
Đánh giá của ông về hành trình 20 năm gắn kết của Myanmar với ASEAN?
Nhìn lại quá khứ, Myanmar đã quyết định không gia nhập ASEAN ngay từ đầu. Việc đưa Myanmar trở thành thành viên của ASEAN là một trong những mục tiêu căn bản của Hiệp hội. Chống lại áp lực từ phương Tây, ASEAN đã kết nạp Myanmar vào ngày 27/7/1997, trùng với khoảng thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính khu vực.
Trong thập kỷ đầu tiên với tư cách là thành viên của Hiệp hội, Myanmar đã thực sự rất khó khăn. Năm 2008, sau cơn bão Nargis, ASEAN đã cứu trợ nhân đạo cho Myanmar. Myanmar đã được cộng đồng quốc tế đón nhận bởi một số người cho rằng sự chào đón viện trợ nhân đạo chính là biểu hiện cho sự thay đổi ở Myanmar.
Sau những thay đổi chính trị năm 2012, Myanmar một lần nữa lấy được lòng tin của ASEAN và cộng đồng quốc tế, điều này dẫn tới việc Myanmar được trao trọng trách đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN (năm 2014). Mối quan hệ giữa Myanmar và ASEAN đang ngày càng phát triển, Hiệp hội mong đợi một Myanmar với vai trò ngày càng quan trọng hơn.
Năm 2017 đánh dấu kỷ niệm 50 năm ASEAN, theo ông, những thay đổi nào là cần thiết để đưa ASEAN tiến bước trong 50 năm tới?
Tôi nghĩ rằng có những thứ chúng ta cần phải duy trì, đó là các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ, xây dựng cơ chế đồng thuận, tham vấn và giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên. Để ASEAN trở thành một tổ chức thành công hơn, chúng ta cũng cần duy trì sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN khi mở rộng đối thoại với các nước khác.
Song tôi nghĩ cũng có những điều chúng ta cần phải thay đổi. Để Hiệp hội hoạt động hiệu quả hơn, chúng ta cần tập trung nhiều hơn vào các mối quan hệ hợp tác trong nội khối, kêu gọi sự tham gia nhiều hơn của người dân và tăng cường tương tác với các xã hội dân sự.
Hơn nữa, tôi nhận thấy cơ chế họp cồng kềnh của ASEAN là không cần thiết. Chúng ta cần tinh giản các quy trình làm việc để đảm bảo tính thuận tiện, nhanh gọn và hiệu quả.
Nguyên tắc đồng thuận đã chứng minh được tính hiệu quả trong ASEAN suốt 50 năm qua. (Nguồn: Shutter Stock) |
Nhiều người đang đặt câu hỏi trước nguyên tắc đồng thuận trong việc đưa ra quyết định của ASEAN. Ông nghĩ gì về nguyên tắc này, liệu ASEAN có nên tiếp tục áp dụng nguyên tắc này hay không?
Tôi không nghĩ rằng ASEAN cần thay đổi hoặc cải tiến phương thức các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra quyết định dựa trên nguyên tắc đồng thuận và tham vấn. Nguyên tắc này đã được áp dụng trong suốt 50 năm qua và đã chứng minh được tính hiệu quả. Ngay cả khi gặp phải những vấn đề phức tạp, ASEAN cũng tìm ra cách để đạt được sự đồng thuận. Vừa qua, chúng ta đã tìm được sự đồng thuận để gửi một thông điệp mạnh mẽ tới vấn đề Triều Tiên và Biển Đông.
Nói đến vấn đề Triều Tiên, ông có nghĩ ASEAN có thể tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa Triều Tiên hay không?
ASEAN phần nào đó đã cung cấp một khuôn khổ nơi tất cả các bên, bao gồm cả Triều Tiên có thể cùng ngồi lại với nhau. Trong một tuyên bố chung gần đây của ASEAN, Hiệp hội đã đề cập đến việc ASEAN sẵn sàng cho bất kỳ biện pháp nào để giải quyết vấn đề này nếu các bên liên quan chấp nhận ASEAN làm trung gian hòa giải.
Ông nhìn nhận như thế nào về tương lai của ASEAN khi Hiệp hội đang có quan hệ đối tác với hai cường quốc là Trung Quốc và Mỹ?
ASEAN có thể là một cầu nối kết nối hai cường quốc đang cạnh tranh gay gắt này. ASEAN nên cố gắng tác động để mối quan hệ Trung – Mỹ trở nên thân thiện hơn. Điều này cũng sẽ có lợi cho khu vực của chúng ta.
Ông đánh giá như thế nào về việc Myanmar thực hiện các kế hoạch của Cộng đồng ASEAN?
Chúng ta phải công nhận rằng đã có những bước tiến bộ trong việc thực hiện các kế hoạch chi tiết của ba trụ cột Cộng đồng ASEAN, bao gồm Cộng đồng Chính trị - an ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa – xã hội.
Tôi cho rằng những vấn đề còn lại chưa được hoàn thành chính là những thách thức lớn nhất. Khi chúng ta nói về Tầm nhìn ASEAN 2025, tất cả các nước sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra và Myanmar không ngoại lệ. Việc có vượt qua được những khó khăn này hay không sẽ phụ thuộc vào nỗ lực của Myanmar trong công cuộc hòa giải dân tộc và xây dựng tiến trình hòa bình. Vì vậy, chúng ta cần phải xây dựng năng lực bằng cách thúc đẩy phát triển và giáo dục con người.
Mặc lần đầu tiên đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2014, tôi nghĩ rằng Myanmar đã hoàn thành tốt cả về mặt hình thức và thực chất. Kể từ khi chúng ta có một chính phủ dân chủ, chúng ta càng nhìn thấy một tiềm năng lớn hơn trong việc đóng vai trò tích cực hơn trong ASEAN. Trước mắt, Myanmar cần nâng cao năng lực và có các viện nghiên cứu về ASEAN, để có thể đóng một vai trò lớn hơn và tích cực hơn trong Hiệp hội.
Xin cảm ơn ông!