📞

Năm 2015, ADB dành 27 tỷ USD cho châu Á

18:00 | 08/01/2016
Đây được coi là mức kỷ lục mà Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) từng phê duyệt.
Nhu cầu về cơ sở hạ tầng tại khu vực châu Á là vô cùng lớn. (Ảnh: ADB)

Cụ thể, con số phê duyệt các khoản vay và viện trợ không hoàn lại cho khu vực nhà nước (chính phủ) và ngoài nhà nước (chủ yếu là khu vực tư nhân) của ADB đối với khu vực châu Á đạt mức kỷ lục 16,58 tỷ USD - tăng 23% so với năm 2014. Hỗ trợ kỹ thuật đạt 144 triệu USD, trong khi số vốn đồng tài trợ tăng 13% lên mức cao nhất từ trước tới nay là 10,43 tỷ USD trong năm 2015.

Trong số 16,58 tỷ USD, cho vay và viện trợ không hoàn lại cho các chính phủ đã tăng 21%, lên tới 13,95 tỷ USD trong năm 2015. Con số phê duyệt cho khu vực ngoài nhà nước đã có bước tiến lớn, từ 1,92 tỷ USD năm 2014 lên tới 2,63 tỷ USD năm 2015.

Ngoài sự gia tăng về số lượng, ADB cũng tăng phân bổ cho các quốc gia nghèo nhất, lên tới 40% tổng số phê duyệt cho khu vực ngoài nhà nước. Để thúc đẩy các giao dịch nhỏ cho khu vực ngoài nhà nước, ADB đã áp dụng quy trình phê duyệt nhanh. ADB hiện đang tích cực áp dụng hình thức cho vay bằng đồng nội tệ đối với khu vực tư nhân và tăng cường phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ để hỗ trợ hình thức cho vay này.

Những hoạt động nổi trội của ADB năm vừa qua có việc ứng phó nhanh trước thảm họa thiên nhiên, đặc biệt là động đất ở Nepal vào tháng Tư và siêu bão ở Vanuatu trong tháng Ba; hỗ trợ các quốc gia chịu ảnh hưởng từ giá hàng hóa thấp và biến động trên thị trường tài chính như Mông Cổ, Kazakhstan...

Năm 2015, ADB cũng là một trong những ngân hàng phát triển đa phương đầu tiên cam kết tài trợ đáng kể cho lĩnh vực khí hậu. Vào cuối tháng Chín, ADB tuyên bố sẽ tăng gấp đôi nguồn tài trợ hằng năm cho khí hậu, từ mức 3 tỷ USD hiện nay lên tới 6 tỷ USD vào năm 2020. Để hỗ trợ lĩnh vực hoạt động về khí hậu, ADB đã phát hành trái phiếu xanh đầu tiên của ngân hàng và phê duyệt khoản vay chính sách đầu tiên tại Trung Quốc để cải thiện chất lượng không khí ở khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc.

ADB đã đạt được tiến bộ lớn hơn trong việc hợp lý hóa các quy trình thủ tục về xây dựng chương trình quốc gia, xử lý dự án, và đấu thầu. Điển hình là việc áp dụng các quy trình đấu thầu riêng, nhất là cho các đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương. ADB đang cung cấp các nguồn lực lớn hơn và ủy quyền nhiều hơn cho 31 văn phòng ở các nước để tăng cường khả năng đáp ứng tại cơ sở. 

“Thành tích kỷ lục của ADB trong năm ngoái đã phản ánh nhu cầu mạnh mẽ và đang gia tăng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nhu cầu về cơ sở hạ tầng và các nhu cầu phát triển khác là vô cùng lớn, và tình trạng nghèo đói vẫn còn phổ biến bất chấp hiệu quả tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực”, Chủ tịch ADB – ông Takehiko Nakao nhấn mạnh.