📞

Năm 'bảo bối' khiến Hải quân Mỹ có khả năng bất bại

Lê Ngọc 17:47 | 25/05/2021
Là lực lượng hải quân mạnh nhất trên đại dương thế giới kể từ năm 1943, nhưng uy thế của Hải quân Mỹ đang bị thách thức khi Nga, và đặc biệt là Trung Quốc, sở hữu các hệ thống ngày càng tinh vi, bao gồm tàu sân bay, tàu ngầm hiện đại và tên lửa siêu thanh.

Lực lượng hải quân nào tụt hậu, không phát triển chắc chắn sẽ bị đánh bại, và Mỹ không phải là ngoại lệ.

Tuy nhiên, Hải quân Mỹ có rất nhiều vũ khí thiết bị chiến lược có khả năng phá hủy các cơ sở chủ chốt hoặc tàu chiến thuật của đối phương và chúng sẽ làm biến đổi chiến tranh hải quân. Dưới đây là năm hệ thống quan trọng sẽ mang lại lợi thế cho Hải quân Mỹ trong thế kỷ XXI.

Hải quân Mỹ được cho sẽ được trang bị những vũ khí mang tính cách mạng, có khả năng biến đổi bộ mặt chiến tranh hải quân. (Nguồn: National Interest)

Hàng không mẫu hạm lớp Ford

Con tàu đầu tiên của lớp tàu này, USS Gerald R. Ford, được hạ thủy vào năm 2013 và đưa vào trang bị năm 2017, nhưng không ra khơi triển khai hoạt động chiến đấu cho đến năm 2020.

Đây là hàng không mẫu hạm lớn nhất thế giới, nặng hơn 100.000 tấn, lớn hơn cả những tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz hiện đang là trụ cột của sức mạnh Hải quân Mỹ. Với mức giá hơn 13 tỷ USD mỗi chiếc, những con tàu này không hề rẻ, nhưng chúng đầy uy lực.

Tàu sân bay lớp Ford có 90 máy bay, một số trong số đó có thể sẽ là máy bay không người lái vào một ngày nào đó. So với tàu sân bay Nimitz, tàu sân bay Fords có cảm biến tốt hơn, hệ thống thiết bị phóng phức tạp hơn và lò phản ứng hạt nhân mạnh hơn có thể cung cấp điện năng gấp ba lần các tàu sân bay cũ.

Tàu ngầm lớp Columbia mang tên lửa đạn đạo

Tàu ngầm lớp Columbia sẽ thay thế các tàu lớp Ohio thời Chiến tranh Lạnh, với tàu con đầu tiên dự kiến bắt đầu được đóng vào năm 2021.

Giống như tàu Ohios, tàu Columbias sẽ mang tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân Trident II, mặc dù chỉ 16 chứ không phải 20 tên lửa (nhưng ngay cả với 16 tên lửa, một chiếc Columbia có thể tiêu diệt khá nhiều mục tiêu Nga và Trung Quốc hơn).

Columbias chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ tàng hình hơn so với tàu ngầm thế hệ cũ, với hệ thống động cơ đẩy chạy bằng điện êm ái.

Tên lửa siêu thanh

Hải quân Mỹ gần đây đã ký hợp đồng trị giá 13 triệu USD để phát triển hệ thống dẫn đường cho vũ khí siêu thanh bắn từ tàu ngầm lớp Columbia.

Nhiều khả năng, các vũ khí siêu thanh của Hải quân Mỹ sẽ như tên lửa Nga sử dụng ICBM làm tên lửa đẩy - đưa một đầu đạn lượn vào bầu khí quyển, rồi lướt xuống mục tiêu với tốc độ cực lớn khiến khó bị đánh chặn. Đây có thể là những vũ khí chiến lược có thể phá hủy các cơ sở chủ chốt của đối phương hoặc là những tên lửa diệt tàu chiến thuật, điều có thể làm thay đổi chiến tranh hải quân.

Tàu chiến mặt nước loại lớn

Các tàu Chiến tranh Lạnh của Hải quân Mỹ, chẳng hạn như tàu tuần dương Aegis và tàu khu trục lớp Burke, đã già cỗi và sẽ cần được thay thế. Những ứng viên thay thế đó sẽ là những tàu thuộc chương trình Tàu chiến mặt nước cỡ lớn của Hải quân, một nhóm tàu bao gồm tàu lớn giống tàu tuần dương và tàu khu trục, thiết kế giống với tàu khu trục nhỏ hơn và tàu không người lái.

Cấu hình của những con tàu này sẽ như thế nào vẫn còn phải được xác định, nhưng thay vì tên lửa và pháo quen thuộc, người ta mong đợi sẽ thấy những vũ khí kỳ lạ của thế kỷ XXI như pháo điện từ hải quân và phòng thủ chống tên lửa bằng laser.

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu

Ngay cả khi vẫn đang sử dụng các máy bay chiến đấu F-35 thế hệ thứ năm mới của mình, Hải quân Mỹ đang phát triển tiêm kích hạm thế hệ thứ sáu (vì máy bay phản lực hiện đại mất nhiều thập kỷ để phát triển). Câu hỏi gây tranh cãi nhất sẽ là liệu Hải quân Mỹ có lựa chọn máy bay không người lái thay vì máy bay có người trong buồng lái hay không.

Dù theo trào lưu nào, khả năng tàng hình là một phần quan trọng của thiết kế, cũng như sự kết hợp cảm biến trong đó số lượng lớn các cảm biến kết hợp với nhau để cung cấp cho phi công khả năng nhận thức tình huống toàn diện. Tiêm kích hạm tương lai cũng mong đợi không chỉ được trang bị tên lửa tầm xa để tiêu diệt máy bay chiến đấu của đối phương mà còn có thể tấn công các máy bay không người lái của địch và chỉ huy hàng loạt máy bay không người lái mini của mình.

(theo National Interest)