Quá trình hội nhập toàn cầu diễn ra trên nền tự do hóa thương mại mạnh mẽ. Từ các hiệp định thương mại song phương thời kỳ đầu cho tới sự kiện gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Năm 2007 được coi như mốc quan trọng đánh dấu việc Việt Nam tích cực tham gia vào tự do hóa thương mại đa phương.
Hưởng lợi từ lợi thế tương đối
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ lợi thế tương đối, tiếp tục thu hút đầu tư và tăng trưởng dựa trên xuất khẩu. Việt Nam là một trong số 12 nền kinh tế trong vành đai Thái Bình Dương vừa đạt được thỏa thuận về một hiệp định thương mại toàn diện nhất từng có trong hai thập kỷ qua. Đó là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
12 nước thành viên TPP. (Nguồn: Nhân Dân) |
Chiếm tỷ trọng 40% GDP và 30% tổng kim ngạch buôn bán hàng hóa toàn cầu, TPP đã thực sự là hiệp định thương mại tham vọng nhất và toàn diện nhất từng hoàn tất từ trước đến nay. Gần đây, Việt Nam cũng đã đàm phán xong Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA). Việt Nam đang đứng trước vận hội lớn, đó là khai thác tối đa lợi ích do các FTA này mang lại, kể cả xét về mặt tiếp cận thị trường rộng lớn, và cả về mặt thúc đẩy cải cách trong nước.
Tại Hội nghị “Việt Nam: Nắm bắt cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, do Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tổ chức ngày 15/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương nhất quán xuyên suốt và là nội dung trọng tâm trong chính sách đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam trong quá trình đổi mới đất nước. Chủ trương này đã được cụ thể hóa bằng nhiều văn kiện mang tính định hướng và chỉ đạo đường lối quan trọng của Đảng và Chính phủ Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: VGP) |
“Kiên trì định hướng tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ đã ban hành chiến lược về đàm phán các FTA vào năm 2012. Việc đàm phán các FTA không chỉ nhằm mục tiêu mở cửa thị trường mà còn là các bước đi khẳng định cam kết hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới của Việt Nam, là bước đi quan trọng tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) phát triển”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch khu vực Đông Á Thái Bình Dương (Nhóm Ngân hàng Thế giới) cho biết, hai hiệp định thương mại là TPP và EVFTA không chỉ để cập vấn đề thâm nhập thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư truyền thống mà còn đề cập cả những vấn đề mới chưa từng được nhắc đến hoặc chưa được giải quyết thấu đáo trong các hiệp định ký kết trong khuôn khổ WTO như: thương mại điện tử, lao động, môi trường, DNNVV, DNNN và hài hòa chính sách. Hơn nữa, hai hiệp định này cũng như các FTA thế hệ mới cũng thiết lập các luật chơi quốc tế và các luật chơi đó sẽ có tác động mạnh hơn lên các chính sách và thể chế trong nước so với bất kỳ hiệp định nào đã ký trước đây.
Mở đường tăng cường xuất khẩu
Các FTA thế hệ mới này dự kiến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam về thương mại, điện tử, tăng trưởng và tạo việc làm. Kết quả tính toán sơ bộ cho thấy, TPP có thể góp phần làm cho thu nhập của Việt Nam gia tăng thêm 8% vào năm 2035 và EVFTA có thể đóng góp thêm 4% nữa. Trong số các nước ký kết TPP hiện nay thì Việt Nam – do có mức GDP bình quân đầu người thấp nhất có lợi thế tương đối “độc nhất vô nhị” khi chúng ta để ý đến ngành công nghiệp chế tạo thâm dụng lao động và các ngành khác hiện đang phải chịu thuế suất cao, ví dụ ngành dệt may.
Do mở đường tăng cường xuất khẩu vào các thị trường lớn nên các FTA thế hệ mới sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại và dẫn đến thu hút dòng vốn FDI khá cao, nhằm xây dựng năng lực xuất khẩu, kể cả thu hút đầu tư vào các dự án đầu nguồn trong các ngành hiện đang bị giám sát nghiêm ngặt theo quy tắc xuất xứ, ví dụ như ngành dệt may.
“Thương mại quốc tế đã tạo cơ hội cho Việt Nam không chỉ tiếp cận được với thị trường quốc tế, mà còn có thể tận dụng công nghệ và ý tưởng từ các nước khác. Nhưng, có lẽ còn quan trọng hơn, thương mại chính là một chuẩn so sánh mà qua đó chúng ta có thể đo lường năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam và đó cũng chính là động lực thúc đẩy đổi mới trong nước, giải phóng hoàn toàn tiềm năng tự nhiên của Việt Nam”, bà Victoria Kwakwa chia sẻ.
Doanh nghiệp là mục tiêu phục vụ
Vẫn biết các FTA thế hệ mới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, song cũng đi kèm là những thách thức và nếu không thực hiện cam kết một cách thận trọng thì các lợi ích có thể sẽ bị bỏ lỡ. Vấn đề cốt lõi trong khai thác hiệp định thương mại là khâu thực hiện. Trong bối cảnh một nền kinh tế quá độ như Việt Nam thì giữa cam kết quốc tế và luật pháp trong nước vẫn còn tồn tại những khoảng cách lớn, và đây chính là một thách thức “đặc biệt”.
Tâm điểm của TPP và EVFTA về các chính sách thương mại được xem là của thế kỷ 21, đòi hỏi Việt Nam phải rất nỗ lực để thực hiện đầy đủ, trong đó bao gồm các cam kết phía sau đường biên. Muốn vậy, cần tập trung nhiều công sức đánh giá, sửa đổi, điều chỉnh văn bản luật, thủ tục quản lý nhà nước và khung thể chế xuyên suốt nhiều ngành kinh tế khác nhau.
Để tận dụng được cơ hội và vượt lên những thách thức trong cạnh tranh quốc tế, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp tháng 5/2016, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, trong đó đặt mục tiêu lấy DN là đối tượng phục vụ, đề ra các yêu cầu về cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN.
“Các chủ trương, nội dung của nghị quyết đã sớm được cụ thể hóa, lồng ghép trong quá trình đàm phán, ký kết các FTA của Việt Nam, qua đó nhấn mạnh hơn nữa cam kết của Chính phủ Việt Nam với công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế cũng như cam kết về việc đổi mới, hoàn thiện chính sách, thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.