📞

Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Hành trình tự hào

Hà Phương 10:28 | 12/11/2020
TGVN. Cho đến nay, có thể khẳng định Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 với những nỗ lực từ chính sách đến thực tiễn đầy linh hoạt và sáng tạo.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan diễn ra từ ngày 12-15/11 bằng hình thức trực tuyến. (Ảnh: Tuấn Anh)

Sẵn sàng cho Hội nghị

Hội nghị Cấp cao (HNCC) ASEAN lần thứ 37 và các HNCC liên quan diễn ra từ ngày 12-15/11 bằng hình thức trực tuyến. Đây là một trong những hoạt động Cấp cao quan trọng nhất của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Công tác chuẩn bị cho sự kiện đối ngoại lớn này đã hoàn tất, Việt Nam sẵn sàng tổ chức HNCC ASEAN lần thứ 37 và các HNCC liên quan một cách chu đáo, bảo đảm an ninh, an toàn, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, chương trình nghị sự đề ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

Tại cuộc họp ngày 5/11 chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, lần này tuy tổ chức theo hình thức trực tuyến nhưng Việt Nam phải làm tròn trách nhiệm của Năm Chủ tịch ASEAN; phải nâng cao hơn nữa uy tín Việt Nam trên trường quốc tế và ASEAN.

Trong khuôn khổ Hội nghị, lãnh đạo Việt Nam cùng các Lãnh đạo ASEAN và đối tác sẽ thảo luận về quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, hoàn tất các ưu tiên sáng kiến năm 2020, thúc đẩy quan hệ đối ngoại của ASEAN. Các Lãnh đạo cũng sẽ trao đổi tình hình thế giới khu vực; định vị và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, đặc biệt trong thế giới hậu dịch Covid-19.

Có thể nói, trọng tâm xuyên suốt của nước Chủ tịch ASEAN 2020 vẫn là thúc đẩy hoàn tất các ưu tiên hợp tác của ASEAN và với các Đối tác trong năm 2020 cũng như các sáng kiến ứng phó Covid-19; giữ vững đà liên kết khu vực, xây dựng Cộng đồng của ASEAN, đẩy mạnh quan hệ với các Đối tác và định hướng cho năm tiếp theo; duy trì trao đổi và cách tiếp cận chung trong ASEAN cũng như với các Đối tác đối với các vấn đề khu vực và quốc tế đang nổi lên.

Dự kiến, HNCC ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan sẽ bao gồm: HNCC ASEAN lần thứ 37; các HNCC ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Australia và Liên hợp quốc; HNCC của các nhà lãnh đạo ASEAN với New Zealand kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác; HNCC ASEAN+3 lần thứ 23; HNCC Đông Á lần thứ 15; HNCC các nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); HNCC Mekong - Nhật Bản, Mekong-Hàn Quốc; HNCC hợp tác Lào-Campuchia-Việt Nam-Myanmar lần thứ 10; HNCC khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Các hoạt động bên lề có: Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo nữ ASEAN, Hội nghị Kinh doanh Đông Á…

Đặc biệt, sẽ có hơn 80 văn kiện được trình các Lãnh đạo thông qua/ghi nhận/công bố tại Hội nghị lần này. Đây là số lượng văn kiện lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó, theo thông lệ, có 11 Tuyên bố Chủ tịch về kết quả các HNCC ASEAN 37, HNCC ASEAN với các đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Australia và Liên hợp quốc), ASEAN+3, EAS, Tuyên bố Báo chí của Chủ tịch về Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN.

“Thương hiệu” gắn kết và chủ động thích ứng

Cho đến nay, có thể khẳng định Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng mà Việt Nam đưa ra cho năm Chủ tịch đã được thể hiện một cách mạnh mẽ và rõ ràng trong giữ vững đà hợp tác, xây dựng Cộng đồng, đồng thời dẫn dắt ASEAN ứng phó hiệu quả với dịch bệnh Covid-19.

Như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh, “Gắn kết và Chủ động thích ứng” không đơn thuần là chủ đề của năm 2020 mà điều đó cùng với tinh thần chủ động và trách nhiệm đã trở thành “thương hiệu” của ASEAN, giúp ASEAN tay trong tay, ngẩng cao đầu đối diện với khó khăn thách thức, đoàn kết cùng vượt qua sóng gió, tự tin tiến lên.

Các ưu tiên, sáng kiến của năm ASEAN 2020 cũng như các sáng kiến chung ứng phó với Covid-19 của ASEAN đã và đang được triển khai theo đúng lộ trình, đảm bảo hoàn tất trong năm nay. Qua tất cả, thấy sáng rõ một hình ảnh nước Chủ tịch ASEAN năng động, linh hoạt và sáng tạo.

Trước “kẻ thù chung”, đại dịch Covid-19, Cộng đồng ASEAN đã kịp thời hành động, chủ động thích ứng, gắn kết các quốc gia.Hệ thống ứng phó y tế khẩn cấp của ASEAN và hợp tác với các Đối tác đã được kích hoạt ngay từ những ngày đầu dịch. Các nước ASEAN đã tích cực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp trong kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh. Toàn thể ASEAN với cam kết chính trị ở mức cao nhất, cách tiếp cận đồng bộ, tổng thể ở cấp quốc gia và khu vực, đã thể hiện bản lĩnh vững vàng của một khối ASEAN đoàn kết và gắn bó, đầy tình tương thân, tương ái.

Cũng từ đây, kế hoạch phục hồi tổng thể của ASEAN sau dịch bệnh, Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, xây dựng Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của ASEAN, xây dựng Quy trình ứng phó dịch bệnh chuẩn ASEAN trong tình huống y tế khẩn cấp... từng bước được đồng lòng triển khai, đi vào thực tiễn.

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Việt Nam đã kịp thời chuyển sang hình thức họp trực tuyến để có thể bảo đảm duy trì kênh chia sẻ thông tin và phối hợp giữa các quốc gia ASEAN được diễn ra một cách trôi chảy.

Tinh thần ASEAN, nỗ lực của nước Chủ tịch ASEAN 2020, quyết tâm của Cộng đồng một lần nữa cho thấy rõ thông điệp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chia sẻ tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36: Qua mỗi cơn phong ba, bó lúa vàng trên logo biểu tượng của ASEAN sẽ ngày càng thêm gắn kết bền chặt, tiếp tục đem lại những hạt gạo đong đầy tình cảm đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của đại gia đình ASEAN.

Thúc đẩy vai trò trung tâm, mở rộng quan hệ đối tác

Trên vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam còn tích cực thể hiện vai trò và hình ảnh của nước Chủ tịch năng động, tích cực vận động các Đối tác tham gia đóng góp xây dựng, trách nhiệm vào các vấn đề chung của khu vực, ủng hộ và hỗ trợ các sáng kiến của ASEAN ứng phó đại dịch Covid-19; tranh thủ sự hỗ trợ của các Đối tác quan tâm đối với nỗ lực của ASEAN thúc đẩy phát triển tiểu vùng và Mekong.

Bên cạnh đó, vai trò trung tâm của ASEAN luôn được phát huy, trong dẫn dắt các tiến trình đối thoại và hợp tác ở khu vực, tăng cường tính bổ trợ lẫn nhau và định hướng phát triển phù hợp cho các diễn đàn trong giai đoạn mới. Một cách khéo léo, Việt Nam đã điều hòa và giảm thiểu áp lực từ sự cạnh tranh, cọ xát giữa các nước lớn đối với ASEAN thông qua việc nhấn mạnh và đề cao các nguyên tắc cơ bản của ASEAN trong quan hệ giữa các quốc gia, trong đó có các nguyên tắc của Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác tại Đông Nam Á (TAC), Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP)..., tranh thủ đoàn kết, đồng thuận của ASEAN để thống nhất cách tiếp cận chung trước các yêu cầu, đề xuất mà các Đối tác đưa ra.

Là Cộng đồng rộng mở, một đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững của cộng đồng quốc tế, ASEAN đã và đang không ngừng mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với các Đối tác.

ASEAN đẩy mạnh quan hệ gắn kết với Liên hợp quốc trong năm 2020, khi cả Indonesia và Việt Nam cùng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tích cực đóng góp cho các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh và phát triển của Liên hợp quốc. ASEAN còn cam kết mạnh mẽ đối với tự do hóa và liên kết kinh tế, đã không ngừng phấn đấu sớm hoàn tất Hiệp định RCEP.

Trên cơ sở đề cao vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, Việt Nam và các nước thành viên thời gian qua đã không ngừng cải tiến, hoàn thiện các cơ chế đối thoại, hợp tác xây dựng lòng tin, củng cố cấu trúc khu vực mở, minh bạch, dựa trên luật lệ.

ASEAN tiếp tục thúc đẩy và đề cao các quy tắc, chuẩn mực ứng xử, định hình quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực theo TAC, tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.