📞

Nạn suy thận

19:18 | 13/04/2009
Hiện Việt Nam có gần 6 triệu người đang bị suy thận (chiếm 6,73% dân số), trong đó 80.000 người đã chuyển sang giai đoạn cuối. Tuy nhiên, theo PGS. Nguyễn Nguyên Khôi (Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội), mới chỉ 10% trong số đó được đáp ứng điều trị, 90% còn lại không có điều kiện chữa trị đều dẫn đến tử vong.
Hiện Việt Nam có gần 6 triệu người bị suy thận.

Con số báo động trên được đưa ra tại Hội nghị Thận nhân tạo và chất lượng trong lọc máu diễn ra sáng 4/4/2009 tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia của gần 30 bệnh viện thuộc 11 tỉnh, thành và các chuyên gia y tế về thận - niệu quốc tế.

 

Báo động đỏ

 

Tại Việt Nam, có khoảng gần 6 triệu bệnh nhân suy thận (chiếm 6,73% dân số) và hằng năm có thêm khoảng 8.000 bệnh nhân suy thận mới. Khi mà điều kiện y tế mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu chữa trị cho bệnh nhân suy thận hoặc phát hiện bệnh quá muộn, thì người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong rất cao.

 

Theo số liệu thống kê của Hội Thận học quốc tế, trên toàn thế giới, hiện có khoảng hơn 500 triệu người đang có vấn đề bệnh lý mãn tính ở thận. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh lý mãn tính ở thận là do các bệnh lý tại thận, tăng huyết áp và đái tháo đường.

 

Tỷ lệ mắc bệnh thận mãn tính do các nguyên nhân gây ra chiếm 10 - 13% dân số tại phần lớn các quốc gia. Tiến triển của bệnh thận mãn tính sẽ dẫn đến suy thận mãn tính, làm mất chức năng thận và phải dùng các biện pháp điều trị thay thế thận (lọc máu, thẩm phân phúc mạc và ghép thận). Hiện có khoảng 1,5 triệu bệnh nhân trên toàn cầu đang sống nhờ các phương pháp điều trị thay thế.

 

Suy thận ở trẻ em

 

Suy thận là một trong số 10 bệnh thường gặp ở trẻ em và đứng hàng thứ 4 trong các nguyên nhân dẫn đến tử vong. Trẻ bị viêm thận có thể do hậu quả của nhiễm trùng; do cơ chế miễn dịch như hội chứng thận hư; do bệnh lý lupus ban đỏ - một dạng tổn thương bệnh lý toàn thân không rõ nguyên nhân do cơ thể tự sản xuất kháng thể chống lại chính các cơ quan của mình; do nhiễm trùng đường tiểu.

 

Những yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng tiểu là do trẻ thường xuyên nín tiểu, uống ít nước, không vệ sinh sau khi đi tiểu, nhất là với trẻ gái. Nếu để nhiễm trùng tiểu tái phát thường xuyên sẽ gây nhiễm trùng đường tiểu (viêm thận nhiễm trùng), dẫn đến tạo sẹo trên thận. Nếu không được điều trị kịp thời, về lâu dài có thể dẫn đến suy thận mãn có khi đến 20-30 năm sau mới bộc phát bệnh.

 

Một trong những nguyên nhân khác có thể dẫn đến suy thận ở trẻ em đó là nhiễm độc chì. Mỗi độ tuổi có mức hấp thu chì khác nhau nhưng trẻ em dễ bị ngộ độc chì hơn người lớn vì có khả năng hấp thu và nhạy cảm với chì cao hơn. Sau khi vào cơ thể, 64% tổng lượng chì được dự trữ trong xương (ở người lớn là 94%), còn lại là phân bố trong máu, não và thận. Điều đó dẫn đến các chứng bệnh liên quan đến ngộ độc chì ở trẻ em, cụ thể là rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, hay đau bụng, da xanh xao, trẻ hay mệt do thiếu máu. Đặc biệt là đối với thận, chì làm giảm máu đến thận, hậu quả gây tiểu đạm, tiểu máu và suy thận.

 

Phát hiện bệnh trước khi quá muộn

 

Bệnh thận thường không gây ra triệu chứng gì cho tới khi đã tiến triển cho nên những ai trong diện có nguy cơ cao bị bệnh thận cần được thầy thuốc kiểm tra thường xuyên. Nhiều trường hợp nhờ chẩn đoán và điều trị sớm nên sự tiến triển đến bệnh thận mãn tính chậm lại, nhưng một số trường hợp chức năng thận vẫn diễn biến xấu và cuối cùng dẫn đến suy thận.

 

Những triệu chứng người bệnh có thể cảm thấy gồm ói mửa, biếng ăn, mệt mỏi, phù thủng tay chân, cao áp huyết, và ngứa ngáy toàn cơ thể. Một số bệnh nhân sẽ có huyết niệu (tiểu ra máu) hoặc protein niệu (nước tiểu có chất đạm) khi khám nước tiểu. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể thấy lượng nước tiểu giảm và họ sẽ đi tiểu ít đi.

 

Trong giai đoạn đầu, hầu hết các bệnh nhân không biết là mình bị yếu thận. Để bảo vệ bản thân và gia đình, ngoài chế độ ăn uống và vận động hợp lý, người dân cần phải chú ý các dấu hiệu nghi vấn và kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm kịp thời phát hiện bệnh trước khi quá muộn.

“Khoảng 15 năm trước đây, lúc nào tôi cũng tự hào về sức khỏe của mình, tung hoành khắp đó đây... coi thường mưa nắng. Bỗng một hôm, tôi cảm thấy mệt mỏi. Con đường từ nhà đến văn phòng tự nhiên thật xa, tim tôi đập mạnh... Vượt qua khoảng cách 300m mà tôi mệt nhoài... Tôi tự hỏi, sao mình yếu thế này?... Và đến khi... tôi hiểu được sự quan trọng của thận trong bộ máy tuần hoàn mà tạo hóa đã ban cho con người thì đã qúa muộn... Thận của tôi đã teo lại như hai trái táo...  khô!”

 

Tâm sự của một bệnh nhân suy thận.

 

Liên Châu