Diễn ra từ ngày 26-28/2, lớp tập huấn dành cho các cán bộ, nhân viên tham vấn và công tác xã hội đang làm việc trong mạng lưới hỗ trợ phụ nữ thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển tại Hà Nội và Cần Thơ (đơn vị trực tiếp vận hành Đường dây nóng và 3 Ngôi nhà bình yên, nơi tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực); bệnh viện, trung tâm xã hội của thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Tập huấn do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức dưới sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Australia trong khuôn khổ dự án Ứng phó khẩn cấp với bạo lực với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh Covid-19.
Hình ảnh tại lớp tập huấn. (Nguồn: UN Women) |
“UN Women đã hành động ngay khi nhận được những báo cáo đầu tiên về việc gia tăng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Căng thẳng và khó khăn kinh tế do đại dịch là một trong số những nguyên nhân chính của tình trạng này. Trong bối cảnh này, việc duy trì và cải thiện các dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực là quyết định sống còn", bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện của UN Women tại Việt Nam chia sẻ.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều bằng chứng, số liệu trên thế giới và tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gia tăng từ 30%-300%. Bên cạnh những ảnh hưởng về sức khỏe thể chất, phụ nữ và trẻ em cũng chịu nhiều ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần khi trở thành nạn nhân của bạo lực.
Trong 3 ngày tập huấn, học viên được cung cấp kiến thức và kỹ năng nhận diện các triệu chứng của căng thẳng/áp lực và các loại hình sang chấn tâm lý cũng như thực hành một số phương pháp sơ cứu và chăm sóc tâm lý kịp thời cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực.
Đây là một trong chuỗi các hoạt động trong lộ trình nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội của Trung tâm phụ nữ và Phát triển trong đó có dịch vụ tư vấn tâm lý, hỗ trợ qua đường dây nóng và trực tiếp tại Nhà Bình yên, hướng đến việc cung cấp dịch vụ thiết yếu hiệu quả, kịp thời và đúng với nhu cầu của nạn nhân.
“Sang chấn tâm lý là hệ quả về mặt thể chất, tâm lý và não bộ sau khi cá nhân trải qua những sự kiện, tình huống độc hại hoặc đe dọa đến thể chất và cảm xúc; tạo ra những hệ quả kéo dài trên một hoặc nhiều khía cạnh chức năng như: sức khỏe thể chất, cảm xúc, tinh thần hay tương tác xã hội… Sang chấn có thể được hàn gắn và phục hồi nếu cá nhân, cộng đồng dược chăm sóc và hỗ trợ phù hợp”, thạc sĩ tâm lý Đoàn Thị Hương, giảng viên lớp tập huấn nói.
Nguyễn Thị Thu Hoài, nhân viên xã hội nhà bình yên và trực tổng đài của Nhà Bình Yên cũng cho biết: “Trong bối cảnh các cuộc gọi đến đường dây nóng của Nhà bình yên tăng lên đột biến trong thời gian Covid-19 vừa qua, những kiến thức và kỹ năng trong lớp tập huấn đã giúp tôi rất nhiều trong việc tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân sớm vượt qua sang chấn sau bạo lực”.