📞

Nâng cao năng lực tiếng Anh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ

PV 17:15 | 19/08/2024
Ngày 17/8, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), phối hợp với Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị Kết nối thuyết trình kết quả Khóa đào tạo English for Startups. Sự kiện nhằm thông báo và chia sẻ các kết quả đạt được từ khóa đào tạo dành cho các doanh nhân khởi nghiệp, qua đó thúc đẩy sự kết nối và hợp tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ.
Toàn cảnh Hội nghị. (Nguồn: Đề án 844)

Đây là sản phẩm của nhiệm vụ thuộc Đề án 844 do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) là đơn vị thực hiện.

Tại Hội nghị, PGS.TS. Hà Lê Kim Anh - Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Chủ nhiệm nhiệm vụ đề án 844 của Nhà trường đã báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ không chỉ là cơ hội để các học viên trình bày kết quả học tập mà còn là dịp để các bên liên quan thảo luận về các cơ hội hợp tác và phát triển trong tương lai.

Khóa đào tạo English for Startups đã trang bị cho các học viên những kỹ năng quan trọng để giao tiếp và thuyết trình hiệu quả trong môi trường quốc tế. Trong khuôn khổ hội nghị, các học viên đã trình bày các dự án và kế hoạch kinh doanh của mình, cho thấy sự tiến bộ rõ rệt trong khả năng sử dụng tiếng Anh. Những bài thuyết trình không chỉ phản ánh sự nỗ lực của các học viên mà còn thể hiện những ý tưởng đổi mới và sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ khác nhau.

Ông Lương Văn Thường, đại diện Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), việc đào tạo tiếng Anh cho các startup là một phần quan trọng trong chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng những kiến thức và kỹ năng đã học vào thực tiễn, đồng thời kêu gọi các cơ sở ươm tạo và làng công nghệ tiếp tục hỗ trợ các startup trong việc hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh của mình.

Theo ông Thường, một trong những điểm nhấn quan trọng của Hội nghị là sự kết nối giữa các startup, các cơ sở ươm tạo và các nhà đầu tư. Sự kiện đã tạo ra một diễn đàn để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về các định hướng của việc đào tạo tiếng Anh cho startups cũng như việc nâng cao năng lực phát triển thị trường quốc tế và kêu gọi vốn đầu tư.

Các doanh nhân khởi nghiệp tham gia đào tạo trong Khóa học cùng các giảng viên. (Nguồn: Đề án 844)

Tại Hội nghị, các cơ sở ươm tạo và làng công nghệ, các tổ chức, mạng lưới kết nối và hỗ trợ như Mạng lưới các Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Hỗ trợ khởi nghiệp VNEI, BambuUP, cũng đã trình bày các chương trình hỗ trợ và tài nguyên mà họ cung cấp, giúp các doanh nhân khởi nghiệp nhận thức rõ hơn về các cơ hội sẵn có và cùng nhau xây dựng cụm liên kết đổi mới sáng tạo bền vững.

Cũng tại Hội nghị, các startup đã giới thiệu về dự án và có phần mô phỏng “pitching” và kêu gọi vốn đầu tư quốc tế trước hội đồng chuyên gia, nhà đầu tư. Các dự án nổi bật có thể kể đến như MeticWork, Cyber Security, GBO.. Qua phiên mô phỏng, Hội nghị không chỉ thấy được sự tiến bộ và khả năng “pitching”, kêu gọi vốn bằng tiếng Anh của học viên mà còn kết nối, giới thiệu các dự án tới các tổ chức, nhà đầu tư.

Hội nghị không chỉ là một sự kiện quan trọng trong việc đánh giá kết quả đào tạo mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc hỗ trợ các startup Việt Nam. Những kết quả đạt được từ khóa đào tạo sẽ góp phần vào việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ và bền vững, đồng thời tạo ra những cơ hội mới cho các doanh nhân khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng mở ra các định hướng về các Khóa đào tạo cũng như các nhóm giải pháp nhằm phát huy các nguồn lực trong hỗ trợ sinh thái nhằm đồng hành với startups trong hành trình chinh phục thị trường quốc tế.