Đó là chủ đề của Diễn đàn Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về khu vực Đông Nam Á vừa diễn ra sáng nay 14/6 tại Hà Nội do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với OECD tổ chức.
Tham gia Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Tổng Thư ký OECD Doughlas Frantz, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) AKP Mochtan, Thứ trưởng Nghị viện Bộ Ngoại giao Nhật Bản Masakazu Hamachi cùng đông đảo các nhà hoạch định chính sách đến từ các quốc gia Đông Nam Á cũng như các nước thành viên OECD, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp….
Ưu tiên thiết thực
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Quang Hòa |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, năm 2016, Cộng đồng ASEAN bắt đầu hoạt động trên cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Đây là một dấu mốc lịch sử trong tiến trình liên kết khu vực Đông Nam Á hướng đến mục tiêu xây dựng một Cộng đồng ASEAN định hướng con người và lấy con người làm trung tâm.
ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 7 và có lực lượng lao động trẻ lớn thứ 3 thế giới. Gồm các nền kinh tế thành viên đang phát triển năng động, nỗ lực cải cách và hội nhập khu vực, ASEAN đang trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng ở Châu Á-Thái Bình Dương.
“Các nước ASEAN đã tiến được những bước dài trên con đường phát triển và hội nhập khu vực. Có thể nói chưa bao giờ ASEAN có vị thế quan trọng và nhiều cơ hội phát triển như hiện nay, nhưng chính thời điểm này, các nước thành viên của Hiệp hội cũng đang gặp không ít thách thức phát triển. Đó là khoảng cách phát triển và trình độ công nghệ giữa các nước thành viên ASEAN có chiều hướng nới rộng, già hóa dân số diễn ra nhanh hơn, lao động chi phí thấp đang mất dần lợi thế, …”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.
Chia sẻ đánh giá của OECD trong Báo cáo triển vọng kinh tế Đông Nam Á năm 2016 rằng suy giảm năng suất là một trong những nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tiềm năng của các nền kinh tế ASEAN suy yếu từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, Thứ trương Bùi Thanh Sơn cho rằng việc Diễn đàn năm nay dành ưu tiên cho vấn đề năng suất và bao trùm là rất thiết thực. Đây thực sự là những vấn đề quan trọng đối với các nước ASEAN trong tiến trình phát triển của mình cũng như trong thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN năng động, hài hòa về kinh tế, xã hội và môi trường.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Tổng thư ký OECD Douglas Frantz đánh giá cao việc Việt Nam đăng cai Diễn đàn OECD về khu vực Đông Nam Á năm nay; cho rằng đây là minh chứng cho cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác giữa ASEAN và OECD.
Theo Phó Tổng Thư ký OECD, tuy duy trì được tốc độ tăng trưởng lạc quan kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008-2009, các nước ASEAN đang đối mặt với thách thức suy giảm năng suất, gia tăng bất bình đẳng xã hội và nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Để giải quyết các vấn đề này, Phó Tổng Thư ký OECD khuyến nghị các nước ASEAN cần tăng cường đầu tư vào giáo dục đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng cho người lao động, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, bảo đảm an sinh xã hội...
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Masakazu Hamachi thì cho rằng ASEAN là một trung tâm phát triển của thế giới với nhiều tiềm năng tăng trưởng. Việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN mở ra không gian phát triển mới cho các nước trong khu vực. Tuy nhiên, các nước ASEAN cũng đứng trước nhiều thách thức như chênh lệch trình độ phát triển, kết nối hạn chế, năng suất suy giảm, nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”… Ông Masakzu Hamachi khẳng định, Nhật Bản cam kết tiếp tục hỗ trợ các nước ASEAN trong nhiều khuôn khổ hợp tác nhằm thúc đẩy tăng năng suất và phát triển bao trùm. Nhật Bản tiếp tục phối hợp với OECD thúc đẩy triển khai chương trình Đông Nam Á của OECD trong thời gian tới.
Cam kết và nỗ lực của Việt Nam
Sau 30 năm Đổi mới, Việt Nam từ một nước chậm phát triển, nay đã bước vào nhóm nước thu nhập trung bình. Trong chiến lược phát triển, Việt Nam luôn nhất quán quan điểm lấy con người là trung tâm và mục tiêu của phát triển. Nhờ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 6%/năm trong 3 thập kỷ qua, Việt Nam có điều kiện để phát triển các lĩnh vực xã hội như giáo dục, y tế, lao động, giảm nghèo, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu…
Được UNDP đánh giá là một trong những nước đang phát triển đạt nhiều tiến bộ về phát triển con người trong hơn hai thập kỷ qua, dù vậy, nền kinh tế Việt Nam phát triển còn chưa bền vững, năng suất và sức cạnh tranh còn thấp. Việc đạt được mức thu nhập trung bình là kết quả từ nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong 30 năm qua, nhưng vượt qua bẫy thu nhập trung bình hướng tới nền kinh tế bền vững và bao trùm đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, là thành viên ASEAN, Việt Nam chia sẻ các cơ hội và thách thức chung của các nước ASEAN; luôn nỗ lực hết mình đóng góp có trách nhiệm vào thúc đẩy hội nhập và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN với mong muốn ASEAN tiến đến một Cộng đồng phát triển đồng đều và hài hòa. Chúng tôi hiểu rõ xây dựng Cộng đồng ASEAN là một tiến trình liên tục và lâu dài.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thành lập năm 1961, hiện có 34 thành viên, chủ yếu là các nước phát triển. Mục đích của OECD là tăng cường hợp tác kinh tế, phối hợp chính sách giữa các nước thành viên về các vấn đề kinh tế thế giới và phát triển. Chức năng của OECD: (i) là diễn đàn đối thoại giữa các nước thành viên, các tổ chức quốc tế và giới nghiên cứu về các vấn đề kinh tế - xã hội; (ii) tiến hành nghiên cứu, dự báo, đưa ra khuyến nghị và tư vấn các nước thành viên trong hoạch định, phối hợp chính sách phát triển kinh tế - xã hội. |
Từ thực tiễn hợp tác ASEAN và phát triển của Việt Nam thời gian qua, theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, nâng cao năng suất thông qua tạo nhiều việc làm có năng suất cao có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển bao trùm của các nước. Vì vậy, đẩy mạnh cải cách cơ cấu, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và khoa học công nghệ là những yếu tố cần thiết để cải thiện năng suất ở khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN cùng với các liên kết kinh tế khu vực, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang mở ra không gian phát triển mới. Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, các nước ASEAN cần chuẩn bị tốt về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để tranh thủ hiệu quả cơ hội và lợi ích của các liên kết kinh tế khu vực này phục vụ mục tiêu phát triển bao trùm.
Ngoài ra, không thể đạt được tăng trưởng bao trùm khi vẫn còn khoảng cách phát triển ở mỗi nước cũng như giữa các nước thành viên ASEAN. Do đó, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, thu hẹp khoảng cách phát triển, thực hiện hiệu quả an sinh xã hội và bảo vệ lợi ích của người lao động tiếp tục là những ưu tiên trong chính sách phát triển của mỗi nước ASEAN và chương trình nghị sự của Hiệp hội.
Thứ trưởng khẳng định, Việt Nam đánh giá cao OECD đang tích cực triển khai Chương trình khu vực Đông Nam Á và mong muốn thúc đẩy hợp tác ASEAN-OECD hiệu quả và thực chất. Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng, những nhận thức mới, kinh nghiệm và thực tiễn tốt trên thế giới về nâng cao năng suất và phát triển bao trùm được các chuyên gia, học giả OECD và quốc tế chia sẻ với các nước ASEAN tại Diễn đàn sẽ là nguồn tham khảo quý giá cho các nước ASEAN trong phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Các đại biểu dự Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Quang Hòa |
Với chủ đề “Nâng cao năng suất gắn liền với phát triển bao trùm ở Đông Nam Á”, Diễn đàn có ba phiên thảo luận, bao gồm: Nâng cao năng suất ở khu vực Đông Nam Á; Liên kết các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong chuỗi giá trị toàn cầu và Phát triển bao trùm.
Nhân dịp Diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Phó Tổng thư ký OECD Douglas Frantz. Tại cuộc tiếp, hai bên đánh giá hợp tác giữa Việt Nam và OECD đang phát triển tốt đẹp. Phó Tổng Thư ký OECD đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam; khẳng định OECD mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam; nhất trí tăng cường phối hợp triển khai Kế hoạch hợp tác giữa Việt Nam và OECD giai đoạn 2016-2020, trong đó ưu tiên các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và OECD có thế mạnh như cải cách kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, tăng trưởng xanh, nông nghiệp bền vững... Hai bên cũng nhất trí Việt Nam và OECD sẽ tăng cường phối hợp trong Năm APEC 2017 trong những lĩnh vực cùng quan tâm. Cùng dịp với Diễn đàn, OECD còn tổ chức Phiên họp thứ 2 Nhóm điều phối Chương trình Đông Nam Á của OECD, hội thảo khởi nghiệp ASEAN và họp báo giới thiệu Báo cáo triển vọng kinh tế Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ năm 2016. |