📞

“Nâng cấp hợp tác giữa hai Quân đội Việt Nam - Lào là nhu cầu cầu tất yếu khách quan”

22:28 | 19/01/2019
Đó là khẳng định của Đại tướng Chansamone Chanyalat - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào trong cuộc trả lời phỏng vấn TTXVN nhân kỷ niệm 70 Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Lào (20/1/1949 – 20/1/2019).

Theo đó, Đại tướng Chansamone Chanyalat đã nhấn mạnh vai trò của mối quan hệ hợp tác gắn bó, sự hỗ trợ lẫn nhau một cách thiết thực và hiệu quả giữa Quân đội hai nước Việt Nam - Lào trong suốt chặng đường 70 xây dựng và trưởng thành của Quân đội Nhân dân Lào, cũng như cách thức thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước Việt Nam - Lào tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vun đắp truyền thống quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam -Lào, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến như hiện nay.

TG&VN xin trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn.

Đại tướng Chansamone Chanyalat - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào. (Nguồn: Vietnamplus)

Thưa Đại tướng, Đại tướng có thể điểm lại một số mốc son đáng tự hào nhất của Quân đội Nhân dân Lào sau 70 năm xây dựng và trưởng thành?

Đại tướng Chansamone Chanyalat: Quân đội Nhân dân Lào xuất thân từ Quân đội LaoItsala. Quân đội LaoItsala thành lập ngày 20/1/1949 tại một chiến khu thuộc vùng giải phóng ở tỉnh Huaphan, do Chủ tịch Kaysone Phomvihane lãnh đạo, chỉ huy. Việc thành lập Quân đội Lào là sự kiện lịch sử quan trọng nhất của cách mạng Lào. Trước năm 1949, Lào bị thực dân Pháp xâm chiếm và khi đó, ở Lào xuất hiện rất nhiều phong trào đấu tranh anh dũng chống thực dân Pháp, do các vị anh hùng lãnh đạo như phong trào Hongkeo Commadam, phong trào Pho Kaduot, phong trào Chauphapatchay trải đều ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam Lào.

Các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân Lào khi đó dù chịu nhiều tổn thất nhưng vẫn không giành được thắng lợi. Nguyên nhân là do chưa có đường lối đúng đắn, chưa có Đảng lãnh đạo nên chưa biết tập trung sự đoàn kết của nhân dân các dân tộc và chưa có vũ khí hiện đại.

Tuy nhiên, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với lý luận cách mạng và đường lối đấu tranh cách mạng mà Người đã dày công nghiên cứu, đã giúp giải phóng cả 3 nước Lào, Việt Nam và Campuchia khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Trận đánh quan trọng nhất và lớn nhất là chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ năm 1954, buộc Pháp phải ký Hiện định Geneva năm 1954 và chấm dứt sự cai trị của Pháp tại Đông Dương. Khi đế quốc Mỹ nhảy vào xâm chiếm Lào, Việt Nam, Campuchia, Đảng chỉ ra rằng muốn giành chiến thắng thì phải có lý luận cách mạng. Lý luận cách mạng là lý luận Marx-Lenin, lãnh đạo phong trào đấu tranh ở cả Việt Nam, Lào và Campuchia.

Năm 1955, Đảng Cộng sản Đông Dương phân công đồng chí Kaysone Phomvihane về lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng ở Lào, tổ chức nhiều hoạt động đấu tranh cả 3 miền Bắc-Trung-Nam của Lào, như thành lập Đội Xaychakcaphat ở Nam Lào, Đội Chauphangum ở Trung Lào và rất nhiều Đội ở Bắc Lào. Tuy nhiên, phong trào đấu tranh của các Đội ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam Lào còn rải rác, phân tán, chưa tập trung được lực lượng.

Vì vậy, Đảng chỉ thị tập trung các Đội ở cả 3 miền để thành lập Quân đội LaoItsala, đồng thời tuyên bố cho cả thế giới biết Lào đã thành lập quân đội riêng, chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, gọi là Đội Latsavong, tiền thân của Quân Giải phóng Nhân dân Lào và Quân đội Lào hiện nay.

Đội Latsavong lãnh đạo phong trào đấu tranh vũ trang, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, thành lập nhiều đơn vị, đánh nhiều trận đánh và tiêu biểu nhất là trận đánh giải phóng Luangnamtha năm 1962, trận giải phóng Nambac năm 1968, chiến dịch Thanogkiet, chiến dịch Kukiet, chiến dịch Lamson 719 (Lam-sơn) ở miền Nam Lào và nhiều chiến dịch khác, giúp cho sức chiến đấu của Quân đội Giải phóng Nhân dân Lào ngày càng phát triển lớn mạnh. Và kể từ đó, Quân đội gánh vác nhiệm vụ chính trong trong các trận đánh.

Thưa Đại tướng, Trên bước đường trưởng thành của Quân đội nhân dân Lào, có lẽ không ai có thể phủ nhận mối quan hệ hợp tác gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau một cách thiết thực và hiệu quả của Quân đội hai nước Việt Nam-Lào. Đại tướng đánh giá thế nào về mối quan hệ này?

Các trận đánh, các chiến dịch như tôi kể ở trên, là Quân đội Lào cùng hợp tác chiến đấu với Quân đội Nhân dân Việt Nam (Liên minh chiến đấu Lào-Việt), đặc biệt là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã giúp đỡ Lào từ đầu đến cuối trong suốt cuộc kháng chiến chống sự xâm lược của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước để giành thắng lợi hoàn toàn ngày 2/12/1975, tuyên bố chuyển từ chế độ quân chủ thành cộng hòa dân chủ nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Từ đó, nhiệm vụ của Quân đội Nhân dân Lào bước vào thời kỳ mới là bảo vệ và phát triển đất nước. Trong mọi thời kỳ trên suốt chặng đường 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của Quân đội Nhân dân Lào đều gắn với sự hợp tác cùng chiến đấu giữa hai nước Lào - Việt Nam.

Đó là những chiến thắng mang tính chiến lược. Vì vậy, có thể nói rằng Quân đội Lào chiến đấu giành thắng lợi và ngày càng phát triển lớn mạnh được như ngày hôm nay là do có sự lãnh đạo của Đảng với đường lối chủ trương đúng đắn; thứ hai là bằng tinh thần chiến đấu quả cảm, dám đánh dám thắng, càng đánh càng thắng, giúp Quân đội Lào sản sinh ra nhiều đơn vị anh hùng, cá nhân anh hùng, bản anh hùng, xã anh hùng, huyện anh hùng, tỉnh anh hùng; và thứ 3 là có sự giúp đỡ một cách hiệu quả của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam, đặc biệt là sự giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần, đây là tình đoàn kết đặc biệt khó tìm trên thế giới.

Ngoài ra, cũng có sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Liên bang Xô Viết và các nước xã hội chủ nghĩa cùng nhân dân ưa chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Đây là những yếu tố quan trọng, góp phần giúp Cách mạng Lào và Quân đội Nhân dân Lào chiến đấu giành thắng lợi hoàn toàn.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, Quân đội hai nước cần phải làm gì để hợp tác về quốc phòng giữa hai nước tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào?

Như tôi đã nói, mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai Quân đội và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam là mối quan hệ đặc biệt. Tiếp theo trong điều kiện mới, tình hình mới của thời kỳ hội nhập quốc tế, phương thức thức hoạt động, chống phá của các thế lực phản động cũng sẽ đa dạng hóa dưới nhiều hình thức. Để ngăn chặn, chống lại mọi âm mưu của các thế lực thù địch, đảm bảo gìn giữ và bảo vệ độc lập quốc gia, bảo vệ chế độ mới, chế độ dân chủ nhân dân thì cần phải nâng cấp hợp tác giữa quân đội hai nước lên tầm cao, vững mạnh, chặt chẽ và hiệu quả thiết thực.

Đây là nhu cầu khách quan, đặc biệt là lĩnh vực củng cố, xây dựng lực lượng và các lĩnh vực hoạt động khác nhằm ngăn chặn và đập tan những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch từ bên ngoài nhằm chia rẽ, phá hoại tình đoàn kết giữa hai nước, hai Quân đội Lào - Việt Nam. Vì một số thế lực thù địch chống đối tìm mọi cách bôi nhọ, nói xấu, đặt điều để làm cho xã hội hiểu sai về quan hệ Lào-Việt Nam nhằm mục đích gây chia rẽ để lật đổ chế độ của chúng ta nên hai bên cần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giúp đỡ lẫn nhau, nâng cấp quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam.

Xin cảm ơn Đại tướng!

(theo TTXVN)