📞

Nâng vị thế cho lao động nữ vùng dân tộc thiểu sổ

ThS. NGUYỄN GIANG NAM - ThS. NGUYỄN ÁNH DƯƠNG 10:31 | 23/12/2022
Nằm trong nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ dân tộc thiểu số phải đối diện với nhiều khó khăn trong việc tự tạo lập thu nhập, làm chủ, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong thời gian qua, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại Thái Nguyên đã được nâng cao đáng kể. (Nguồn: Báo Thái Nguyên)

Tuy nhiên, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, lao động nữ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đang nỗ lực, từng bước vươn lên, khẳng định vị thế trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

Những rào cản cần xóa bỏ

Mặc dù Đảng, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ để lao động nữ dân tộc thiểu số có thể khẳng định vị thế của bản thân, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, thách thức nhất định.

Việc tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế của lao động nữ dân tộc thiểu số còn những trở ngại. Theo kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 của Tổng cục Thống kê, dù phụ nữ dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống ở vùng dân tộc thiểu số nhưng tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số do phụ nữ làm chủ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2019 chỉ đạt 15,8%, nam giới là 20,7%; giá trị khoản vay thấp hơn so với hộ gia đình dân tộc thiểu số do nam giới là chủ hộ.

Phụ nữ dân tộc thiểu số gặp bất lợi hơn trong thị trường lao động do trình độ chuyên môn còn chưa cao, hầu hết làm việc ở lĩnh vực nông lâm nghiệp. Theo thống kê năm 2019, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động nữ dân tộc thiểu số có cải thiện so với năm 2015 nhưng vẫn thấp so với mặt bằng chung của cả nước; tỷ lệ lao động nữ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên còn rất thấp, chiếm 8,9%; 76,4% nữ dân tộc thiểu số làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, trong khi nam dân tộc thiểu số là 70,5% và lao động nữ cả nước là 35,9%.

Điều kiện làm việc của lao động nữ dân tộc thiểu số còn kém thuận lợi; số lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế bắt buộc còn chưa cao, gây khó khăn cho việc bảo đảm an sinh xã hội cho đối tượng này.

Phụ nữ dân tộc thiểu số gặp nhiều rào cản về tăng kế sinh nhai, ít cơ hội tiếp cận việc làm, nguồn vốn vì phải làm những việc không được trả lương. Thống kê năm 2019 cho thấy, tỷ lệ lao động nữ dân tộc thiểu số làm các công việc “lao động gia đình không hưởng lương” là 52,0%, cao gấp gần 2 lần so với tỷ lệ này của lao động nam dân tộc thiểu số là 26,6% và cao gấp hơn 2,5 lần so với lao động nữ cả nước 19,4%. Điều này khiến cho phụ nữ dân tộc thiểu số ít có cơ hội tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế.

Một thực trạng cho thấy, lao động nữ dân tộc thiểu số không đáp ứng đủ các điều kiện, qui định tuyển dụng để làm việc trong các nhà máy, doanh nghiệp trong nước hoặc xuất khẩu lao động khiến họ có xu hướng tìm việc làm bất hợp pháp ngoài biên giới. Điều này thiếu tính bền vững và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, họ có thể là nạn nhân của mua bán người, bóc lột lao động...

Bên cạnh đó, còn nhiều khoảng cách về giới trong vùng dân tộc thiểu số. Cơ hội tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực phát triển kinh tế của nữ thường hạn chế hơn so với nam; phụ nữ ít có quyền quyết định về kinh tế, lao động tuy họ có sự tham gia đóng góp rất lớn và những quyết định có tính chất quan trọng vẫn thuộc về nam dân tộc thiểu số.

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho thực trạng trên, song chủ yếu là do tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn tồn tại trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dẫn đến sự bất bình đẳng, tạo nên rào cản lớn đối với phụ nữ dân tộc thiểu số trong sản xuất, kinh doanh.

Một bộ phận lao động nữ dân tộc thiểu số vẫn còn tâm lý tự ti, e dè, thiếu chủ động vào quá trình phát triển kinh tế; ở nhiều vùng dân tộc thiểu số vẫn chưa thoát ly quan niệm phụ nữ phải gắn với công việc nội trợ và chăm sóc gia đình, còn định kiến về phụ nữ đi làm xa quê hương.

Trình độ lao động, dân trí, nhận thức một bộ phận phụ nữ dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật một cách bài bản; những kỹ năng cơ bản để di cư lao động an toàn và hiệu quả vẫn còn thiếu; các kỹ năng giao tiếp, khả năng hiểu biết và ứng dụng khoa học, công nghệ, thông tin trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ còn ở mức thấp.

Hiện nay nước ta có trên 4,7 triệu lao động là nữ DTTS, chiếm khoảng 50,4% quy mô lực lượng lao động DTTS. Với các Chương trình, Đề án phát triển kinh tế vùng DTTS, họ đã từng bước vươn lên thoát nghèo; dần khẳng định được vai trò, vị thế trên mọi mặt; xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả với thu nhập lên đến hàng trăm triệu/năm.

Tập trung nguồn lực thúc đẩy quyền của phụ nữ dân tộc thiểu số

Quan tâm chăm lo, nâng cao vị thế cho phụ nữ dân tộc thiểu số là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ rõ: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kĩ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi”.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định, Chương trình, Kế hoạch như: Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019,phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 939/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”; Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3/3/2021 về “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030” hay Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 về “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”…

Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng, động lực thúc đẩy phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia tích cực, hiệu quả vào nhiệm vụ phát triển kinh tế gia đình, làm chủ doanh nghiệp trên các lĩnh vực, nâng cao vai trò bình đẳng giới của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế; phát huy thế mạnh và thúc đẩy quyền lợi của phụ nữ dân tộc thiểu số qua đó giúp họ nâng cao tri thức, chủ kinh tế, từng bước tiếp cận đầy đủ cơ hội phát triển, vươn lên thoát nghèo.

Nhờ đó, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số đã có những đóng góp không hề nhỏ vào thành tựu phát triển kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số. Họ đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, năng động sáng tạo, tham gia tích cực, sôi nổi các phong trào thi đua, các cuộc vận động vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế hiệu quả; dần khẳng định được vai trò, vị thế trên mọi mặt nhất là phát triển kinh tế; đã tận dụng có hiệu quả cơ hội từ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ đạt hiệu quả cao không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn, nhiều mô hình có sức lan tỏa sâu rộng trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Đơn cử như mô hình phát triển kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, với 2.600 hộ phụ nữ nghèo vay vốn, tổng dư nợ gần 110 tỷ đồng, tính đến tháng 3/2022 đã có 1.561 phụ nữ làm kinh tế giỏi, có mô hình cho thu nhập từ 400 triệu đến 500 triệu đồng mỗi năm; tiêu biểu là Câu lạc bộ nữ xoài Yên Châu với 39 chị em dân tộc thiểu số tham gia từ năm 2020 đã cho thu nhập hơn 4 tỷ đồng/năm… nhờ đó, tỷ lệ hội viên phụ nữ nghèo giảm, hộ có thu nhập cao, ổn định ngày một tăng, nhiều hội viên có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, các dự án, chương trình hợp tác, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế đã góp phần nâng cao quyền và vị thế kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số; tiếp thêm sự tự tin, niềm hứng khởi cho hàng nghìn phụ nữ vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập.

Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch” (GREAT), do chính phủ Australia tài trợ từ 2017-2021. Với tổng kinh phí hỗ trợ lên tới 33,7 triệu AUD (tương đương khoảng 600 tỷ đồng) tại 2 tỉnh Lào Cao và Sơn La GREAT được triển khai đã đạt được những hiệu ứng lan tỏa tích cực. Theo đó, 86% trong số hơn 15.200 phụ nữ tham gia dự án tăng thu nhập đã tự tin vào năng lực kỹ thuật của mình; doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo tăng 23%.

Hay Dự án AWEEV được thực hiện bởi tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh Lai Châu và Hà Giang tổ chức vì quyền phụ nữ và cộng đồng doanh nghiệp tư nhân tại địa phương. Theo đó, đã có 2.635 phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số tại hơn 1.500 hộ gia đình là đối tượng nhận được sự hỗ trợ từ Dự án. AWEEV đã góp phần cải thiện kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại tỉnh Lai Châu và Hà Giang…

Với 2.600 hộ phụ nữ nghèo vay vốn, tổng dư nợ gần 110 tỷ đồng, tính đến tháng 3/2022, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã có 1561 phụ nữ DTTS làm kinh tế giỏi, cho thu nhập từ 400 triệu đến 500 triệu đồng mỗi năm. Điển hình là Câu lạc bộ nữ xoài Yên Châu với 39 chị em DTTS tham gia từ năm 2020 đã cho thu nhập hơn 4 tỷ đồng/năm… Nhờ đó, tỷ lệ hội viên phụ nữ nghèo giảm, hộ có thu nhập cao, ổn định ngày một tăng.

Để phát huy hiệu quả hơn nữa Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như các chương trình hợp tác trong việc nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số cũng như tạo điều kiện thuận lợi để họ có thể vươn lên thoát nghèo, khẳng định bản thân, phát huy tiềm năng, thế mạnh và bình đẳng, cần tập trung vào những vấn đề sau:

Một là, làm tốt công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng và xã hội đối với phụ nữ dân tộc thiểu số; chú trọng phát huy nội lực của phụ nữ dân tộc thiểu số.

Hai là, tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, trọng tâm là Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Thường xuyên đánh giá thực tiễn, sơ kết, rút kinh nghiệm kịp thời, bổ sung các biện pháp, phương hướng thực hiện Đề án có hiệu quả thúc đẩy phụ nữ dân tộc thiểu số tăng thu nhập, phát triển kinh tế trên từng địa bàn.

Ba là, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào địa bàn chiến lược, nơi đặc biệt khó khăn; huy động mọi nguồn lực xã hội, nhất là vốn, khoa học - kỹ thuật nhằm tạo nền tảng vững chắc cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế gia đình, ổn định đời sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Có các giải pháp hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sau khi được đào tạo, học nghề nhanh; định hướng, hỗ trợ nữ thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học… tìm việc làm tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp.

Bốn là, thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn, khóa đào tạo để nâng cao kiến thức, kỹ năng, tay nghề cho nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số, nhất là về khoa học kỹ thuật, sản xuất hàng hóa. Nâng cao năng lực cho nữ dân tộc thiểu số là chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ về năng lực quản lý, trình độ năng ngoại ngữ, khả năng tiếp cận thông tin thị trường trong và ngoài nước.

Năm là, đẩy mạnh tuyên truyền để phụ nữ dân tộc thiểu số thấy rõ vị thế, vai trò của mình trong gia đình, cộng đồng và xã hội, từng bước tháo gỡ tâm lý tự ti, loại bỏ mặc cảm, khắc phục tư tưởng thụ động trông chờ, ỷ lại; không phụ thuộc về kinh tế; chủ động, tính cực, nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo.